Tham dự tọa đàm có đại diện các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.
Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Chính phủ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; đồng thời chỉ đạo Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ.
Hiện nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên.
Tính đến tháng 11/2021, Công an Ninh Bình là một trong 14 tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổ chức Công an chính quy tại 119/119 xã và không còn lực lượng Công an xã bán chuyên trách theo Nghị quyết số 118/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tuy nhiên, trên toàn quốc hiện còn 89.045 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm kịp thời tạo cơ sở pháp lý quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng này.
Đối với lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ, năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ và năm 2008 thông qua Luật thay thế, tiếp tục điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực: trật tự, an toàn giao thông; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ.
Sau hơn 20 năm kể từ khi thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích sâu hơn các vấn đề về sự cần thiết phải xây dựng, ban hành 2 dự án luật; làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn của việc xây dựng 2 dự án luật; những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Giao thông đường bộ và thực tiễn công tác xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay...
Kết luận buổi tọa đàm, Đại tá Phạm Văn Sơn, TVTU, Giám đốc Công an tỉnh cảm ơn các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đóng góp vào hai dự án luật đang được dư luận quan tâm.
Công an tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật, báo cáo Chính phủ để xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Kiều Ân - Đức Lam