Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương có liên quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, công tác chuyển đổi số trong năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu, trong đó 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%), 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (chiếm 43,5%) và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung để hoàn thành đúng hạn (chiếm 27,5%). Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, có 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt 81%.
Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022; Liên minh Bưu chính thế giới xếp hạng chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với kỳ đánh giá trước đó vào năm 2021, đứng thứ 46; chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ năm 2020-2022 tăng từ 0,48 lên 0,71 và dự báo đạt 0,75 trong năm 2023; báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Năm 2023, Việt Nam có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022; doanh thu của các khu công nghệ thông tin tập trung đạt khoảng 15 triệu USD/1ha/1 năm, cao hơn khoảng 15 lần so với doanh thu của các khu công nghiệp; số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022.
Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân; Việt Nam cũng đã đạt được thành tích ấn tượng tại các cuộc thi quốc tế về an toàn thông tin trong năm 2023, ở cả cấp độ chuyên gia và cấp độ trẻ tuổi…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích làm rõ những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ phù hợp trong công tác chuyển đổi số.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương kết quả đã đạt được trong năm 2023, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp, sự đồng lòng của người dân… đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Kết quả đạt được trong năm 2023 sẽ quyết định thành công chặng đường thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số khẩn trương ban hành kế hoạch năm 2024, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách chuyển đổi số; phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp vào công cuộc chuyển đổi số. Trong đó, phát triển mạnh mẽ hạ tầng số, ứng dụng số đảm bảo đồng bộ, hiện đại.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế, tận dụng cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là 53 dịch vụ công thiết yếu; tăng cường sử dụng dữ liệu dùng chung.
Huy động nguồn lực hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chuyển đổi số; phấn đấu 100% thôn bản được cung cấp cáp quang; tăng cường ứng dụng chữ ký số cá nhân, hóa đơn điện tử, gắn với đảm bảo an toàn thông tin an ninh mạng. Tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về lợi ích của chuyển đổi số.
Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp với Bộ Công an để khai thác toàn diện, hiệu quả cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư nhằm thúc đẩy số hóa, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện sự phục vụ của cơ quan Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và toàn xã hội. Đồng thời góp phần thực hiện thành công Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Đào Hằng-Minh Quang