Vi phạm nhiều, xử lý hạn chế Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 20 tuyến đê chính và hầu hết đang bị lấn chiếm để sử dụng với các mục đích khác nhau trong một khoảng thời gian khá dài. Tuy nhiên, tình hình xử lý vi phạm hành vi lấn chiếm của các đơn vị chức năng còn ở mức hạn chế.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến ngày 28/9/2017, trên địa bàn tỉnh còn 94 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó mới xử lý dứt điểm được 12 vụ, còn tồn tại 82 vụ vi phạm; trong đó Kim Sơn 6 vụ, Yên Khánh 39 vụ, Yên Mô 1 vụ, thành phố Ninh Bình 6 vụ, Hoa Lư 7 vụ, Gia Viễn 18 vụ, Nho Quan 5 vụ.
Đối tượng vi phạm chủ yếu là các hộ dân sống ven đê và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh ngoài bãi sông với các nội dung vi phạm chủ yếu là tập kết, kinh doanh vật liệu, xây nhà, xưởng, trạm cân, các công trình phụ, san lấp mặt bằng bãi cao...; tự ý xây dựng công trình khi chưa có quyết định cho phép của cấp có thẩm quyền, xây dựng công trình sai so với quyết định cấp phép.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến thời điểm 30/10/2017, các địa phương phải tổ chức cưỡng chế, giải tỏa dứt điểm xong các vi phạm. Nhưng đến thời điểm này, tình trạng vi phạm hành lang đê điều trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp, hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình chưa tự thực hiện giải tỏa. Các địa phương vẫn chưa quyết liệt xử lý dứt điểm cũng như chưa xây dựng được phương án tổ chức xử lý cưỡng chế, giải tỏa dứt điểm các vi phạm hành lang đê.
Các địa phương kêu khó
Mặc dù thời gian UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải thực hiện dứt điểm vi phạm hành lang an toàn đê điều đã đến hạn chót, nhưng nhiều địa phương đang gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm. Là một trong những địa phương để xảy ra nhiều vi phạm hành lang đê điều nhất tỉnh với 39 vụ vi phạm, theo báo cáo của UBND huyện Yên Khánh, mặc dù đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp từ tuyên truyền đến xử lý hành chính, nhưng đến nay huyện mới chỉ xử lý dứt điểm được 6/39 vụ vi phạm hành lang đê.
Lý giải điều này, đại diện lãnh đạo UBND huyện Yên Khánh cho biết: Hầu hết các vụ vi phạm còn lại chưa xử lý được đều là các hộ gia đình đã được cấp Giấy phép quyền sử dụng đất từ lâu và các công trình thuộc quản lý của các doanh nghiệp lớn, tập trung nhiều ở Khu công nghiệp Khánh Phú như Công ty cổ phần đạm Ninh Bình, Doanh nghiệp tư nhân Phúc Long, Công ty TNHH An Gia Bình, Công ty cổ phần kinh doanh than miền Bắc Vinacomin...
Các công trình của các doanh nghiệp này đã tồn tại từ lâu, nhiều doanh nghiệp đã được trung ương, tỉnh cấp phép hoạt động, nhưng trong quá trình thi công đã không thực hiện theo đúng Giấy phép được cấp, hoặc tiến hành thi công hạng mục trước khi hoàn thiện cấp phép bổ sung.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gây khó khăn cho các lực lượng khi đến kiểm tra, xử lý như không làm việc, không hợp tác.
Để trốn tránh sự giám sát của lực lượng chức năng, nhiều doanh nghiệp còn thi công xây dựng các công trình vào ban đêm... nên việc xử lý vi phạm chưa thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai.
Để thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, việc cần thiết là huyện đã tính đến phương án tổ chức cưỡng chế, tuy nhiên để tổ chức cưỡng chế cần rất nhiều yếu tố như nhân lực, kinh phí, thủ tục, thời gian...
Vì vậy, theo lãnh đạo huyện Yên Khánh: Để xử lý dứt điểm vi phạm hành lang đê thì rất cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang gặp phải trong việc xử lý vi phạm hành lang đê điều.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh
Đồng chí Lâm Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong đợt cao điểm xử lý các hành vi vi phạm khu vực bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, thời gian qua Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, thành lập đoàn kiểm tra, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn để tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết, xử lý vi phạm.
Do vậy, một số vụ vi phạm nhỏ lẻ như xây dựng lều lán tạm, công trình phụ được tháo dỡ, giải tỏa; các điểm tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng cơ bản không tập kết mới; nhiều hộ gia đình đã hạ thấp độ cao, di chuyển, giải tỏa cơ bản vật liệu đã tập kết cũ ra khỏi hành lang an toàn đê và hành lang thoát lũ.
Tuy nhiên, hiện nay các vụ vi phạm lớn (chủ yếu của các doanh nghiệp) cơ bản chưa được thực hiện giải tỏa. Nguyên nhân được xác định là do ý thức chấp hành các quy định của Luật Đê điều của một số tập thể, cá nhân chưa nghiêm nên còn vi phạm và tái vi phạm nhiều lần.
Nhiều hộ dân, doanh nghiệp đầu tư vốn khá lớn vào kinh doanh vật liệu xây dựng, nay chưa bán được, trong khi kinh phí xử lý, di dời các công trình nhà ở trong phạm vi đê điều, bãi sông chưa có, hơn nữa lại không có điểm tập kết mới để di chuyển.
Bên cạnh đó, việc tập kết vật liệu ngoài đê tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển theo đường giao thông thủy, nên các doanh nghiệp vẫn chây ỳ để vật liệu tại nơi vi phạm hành lang đê.
Ngoài ra còn do sự phối kết hợp giữa cán bộ quản lý đê và chính quyền cơ sở chưa hợp lý; nhiều địa phương thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm... dẫn đến số vụ vi phạm còn nhiều, hiệu quả xử lý thấp.
Với chức năng là đơn vị được UBND tỉnh giao tổng hợp báo cáo kết quả xử lý hàng tháng của các địa phương và tham mưu cho tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT đánh giá: Đến thời điểm này, mới có 2 huyện báo cáo cơ bản thực hiện xong việc giải tỏa vi phạm hành lang đê điều.
Công tác xử lý, giải tỏa vi phạm ở các địa phương còn lại chưa đạt yêu cầu của UBND tỉnh đề ra, nhiều doanh nghiệp chưa hợp tác với địa phương trong quá trình xử lý, giải tỏa vi phạm cũng như chưa tự giác giải tỏa vi phạm.
Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm xử lý dứt điểm các vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố thành lập các tổ công tác để kiểm tra đôn đốc, kiên quyết xử lý vi phạm.
Xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 139/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống lụt, bão. Khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể các phương án cưỡng chế; đồng thời tổ chức cưỡng chế, giải tỏa vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Sau 30/10/2017, nếu các vi phạm vẫn tồn tại, vi phạm vượt thẩm quyền, UBND các huyện, thành phố tổng hợp, báo cáo và đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức có vi phạm tạm dừng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Ân Nghĩa