Trải qua một năm với những "khó khăn kép" từ tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và những bất ổn địa chính trị ở một số nước trên thế giới, song kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá, ước đạt 3.150 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,5% so với kế hoạch năm. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã về đích sớm, tiếp tục mở ra triển vọng lạc quan cho năm 2023 với những mục tiêu cao hơn.
Tăng trưởng ấn tượng
Theo báo cáo của Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá, ước đạt 3.150 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,5% so với kế hoạch năm. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Camera và linh kiện điện thoại ước đạt 855,7 triệu USD, bằng 93% kế hoạch năm; giày dép các loại ước đạt 922 triệu USD, bằng 137,2% kế hoạch năm; xi măng và clinker ước đạt trên 500 triệu USD, bằng 96,7% kế hoạch năm; quần áo các loại ước đạt 535,7 triệu USD, bằng 144,7% kế hoạch năm; linh kiện điện tử ước đạt 82,3 triệu USD, bằng 134% kế hoạch năm; linh kiện phụ tùng ô tô ước đạt 75,8 triệu USD, bằng 107,5% kế hoạch năm; phôi nhôm ước đạt 74,9 triệu USD, bằng 108,6% kế hoạch năm…
Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng chủ lực đều duy trì sự tăng trưởng ổn định, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 3.112,6 triệu USD, vượt 13,3% kế hoạch năm, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ ước đạt hơn 6,3 triệu USD, vượt 8,6% so với kế hoạch năm. Nhóm hàng nông sản ước đạt 28 triệu USD, vượt 3,7% kế hoạch năm, các sản phẩm nông sản chế biến của tỉnh tiếp tục được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU và thị trường các nước Liên minh kinh tế Á-Âu.
Nhìn nhận về bức tranh xuất khẩu năm 2022, đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Điều quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện nhiều khó khăn như hiện nay bên cạnh các chính sách của Nhà nước cũng cần ghi nhận sự chủ động phối hợp của Sở Công Thương với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện tốt việc phổ biến cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Do đó hàng hóa của Ninh Bình vẫn tiếp tục được duy trì và mở rộng tới các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh. Trong đó, thị trường châu Á dẫn đầu đạt kim ngạch 2.170,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 68,9%; tiếp đến là thị trường châu Mỹ đạt kim ngạch 507,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 16,1%; thị trường châu Âu đạt kim ngạch 352,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,2%; châu Úc đạt kim ngạch 72,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,3%; cuối cùng là châu Phi đạt kim ngạch 47,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,5%. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa sang hơn 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu.
Sở Công Thương đã tích cực hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tra cứu thông tin trực tuyến về các Hiệp định thương mại tự do từ Cổng thông tin FTA (FTAP) của Bộ Công Thương; cung cấp các video clip ngắn về các nội dung chính của các Hiệp định CPTPP và EVFTA...
Trong năm Sở đã phối hợp tổ chức 6 hội nghị trực tiếp và trực tuyến cho trên 1.200 lượt doanh nghiệp về xuất xứ hàng hóa, các cam kết về thuế quan, lộ trình mở cửa thị trường thuận lợi hóa thương mại... Xây dựng cơ sở dữ liệu về các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký, đồng thời thực hiện tốt việc cung cấp thông tin về tình hình thị trường, việc áp dụng các rào cản thuế và phi thuế quan trong thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tra cứu thông tin về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi và chủ động ứng phó với rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Theo dự báo năm 2023, tình hình trong nước và thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Tuy nhiên, nhận diện rõ những khó khăn, thách thức để từ đó tìm ra hướng đi và cơ hội, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình mới. Trong đó phải kể đến việc các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất và cung ứng.
Trong năm 2022, toàn tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 5 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 18,11 triệu USD, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 11 lượt dự án. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cơ bản thực hiện theo đúng nội dung quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp, hoạt động kinh doanh ổn định, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Regis Việt Nam (Cụm công nghiệp Văn Phong).
Ninh Bình cũng đã thực hiện tốt việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố, cấp xã gắn với triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã công khai bộ TTHC trên trang thông tin điện tử và trên Cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo đầy đủ, dễ tra cứu và thực hiện, trong đó ưu tiên thực hiện các các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan.
Nhằm hỗ trợ, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trên địa bàn, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn, như hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các gian hàng miễn phí trên các nền tảng Thương mại điện tử Việt Nam như sendo, tiki, lazada...; xây dựng và phát triển gian hàng trên sàn thương mại điện tử quốc tế Alibaba; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tham gia chương trình xúc tiến bán hàng trên Nền tảng ECVN do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hợp tác với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thực hiện; đồng thời tăng cường cung cấp thông tin thị trường, quảng bá, giới thiệu mặt hàng tiềm năng của tỉnh, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để hoàn thành được mục tiêu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,25 tỷ USD, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho các mặt hàng thế mạnh của tỉnh như linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, giày dép, may mặc… gắn với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường, quy tắc xuất xứ trong các FTA thế hệ mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, triển khai song song kênh xuất khẩu truyền thống và kênh xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba.
Ngoài ra, để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch, vừa tạo nguồn hàng phục vụ xuất khẩu, vừa cung cấp nguyên liệu đầu vào đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của các FTA. Song song với đó sẽ tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, hải quan, thuế, xuất nhập khẩu… rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; tiếp tục cải tiến quy trình, áp dụng hệ thống thông quan điện tử tạo môi trường chuyên nghiệp, minh bạch.