Khánh Thủy, nơi được coi là rốn nước của huyện Yên Khánh, nước ngập trắng đồng. Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch HĐQT HTX Khánh Thủy cho biết: Vụ mùa này toàn xã có kế hoạch gieo cấy 454 ha lúa (trong đó diện tích gieo sạ chiếm khoảng 60%).Những mống mạ mới rắc chưa kịp ngồi, những cây lúa non vừa cấy chưa kịp bén rễ thì mưa đã liên tiếp đổ xuống. Địa hình trũng thấp, nước ở các nơi dồn về đây nên mặc dù đã vận hành hết công suất các hệ thống bơm tiêu nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện, hầu hết các diện tích lúa của xã vẫn đang bị ngập, nhiều nơi ngập sâu kéo dài không có khả năng khắc phục.
Với 100% diện tích lúa mùa bị úng ngập, Khánh Cư cũng là một trong những xã bị thiệt hại nặng nhất về sản xuất nông nghiệp. Ông Vũ Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Trên địa bàn Khánh Cư không có trạm bơm động cơ nào, việc tiêu thoát nước phụ thuộc hoàn toàn vào các trạm bơm ở 2 xã Khánh An và Khánh Vân. Nếu những ngày tới, trời không mưa hoặc chỉ có mưa nhỏ thì may ra nước mới rút mà cũng phải đợi ít nhất 2-3 ngày nữa.
Theo báo cáo nhanh của huyện Yên Khánh, hiện toàn huyện có 3.760 ha lúa bị ngập úng (bằng 48,8% diện tích gieo cấy), trong đó diện tích bị ngập trắng là 2.048 ha, diện tích ngập phất phơ là 1.711 ha. Các xã có diện tích lúa bị ngập úng nặng là: Khánh Hòa, Khánh Phú, Khánh An, Khánh Cư, thị trấn Ninh, Khánh Thủy, Khánh Tiên.
Trước tình hình trên, Yên Khánh đã yêu cầu Chi nhánh KTCTTL huyện vận hành hết công suất 9/9 trạm bơm với 66 máy bơm công suất từ 1000-4000 m3/h, hoạt động 24/24h để phục vụ bơm tiêu úng cho lúa.
Các xã, thị trấn cũng sử dụng hàng trăm máy bơm dầu, bơm điện, bơm vô ống để khoanh vùng tiêu úng cục bộ. Đồng thời, huy động nhân dân tham gia vớt bèo, tháo dỡ đăng, đó, vó cượm, khơi thông dòng chảy nhằm tạo điều kiện cho việc tiêu thoát nước được nhanh nhất.
Có mặt tại Trạm bơm Chính Tâm - một trạm bơm lớn bơm tiêu cho hàng nghìn ha lúa của các xã Khánh Thành, Khánh Trung, Khánh Công, Khánh Mậu, Khánh Cường… ,chúng tôi được chứng kiến sự nỗ lực làm việc của những công nhân ở đây.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh, cán bộ trạm bơm khẳng định: 11 tổ máy của Trạm bơm được vận hành hết công suất từ ngày 14/7 đến nay. Trong đợt tiêu úng này chúng tôi cũng bố trí 100% nhân lực trực 24/24h liên tục vớt bèo, rác, vật cản trên sông tiêu và cửa cống, đồng thời bảo đảm vận hành an toàn các tổ máy.
Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Ưu tiên số 1 hiện nay của huyện vẫn là việc triển khai vận hành các trạm bơm phục vụ bơm tiêu úng kịp thời cho những diện tích bị ngập.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang yêu cầu các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp có diện tích ngập trắng, không thể phục hồi tập trung hướng dẫn nhân dân ngâm ủ, gieo mạ dự phòng để khi nước rút có mạ cấy bổ sung ngay.
Đối với những nơi khác bị thiệt hại ít hơn cũng tiếp tục ngâm ủ giống bằng các giống ngắn ngày như LT2, Bắc thơm số 7, QR1, Khang dân 18… để gieo mạ nền, khi mạ có từ 2,5-3 lá tiến hành cấy, dặm bổ sung.
Được biết, ở các xã như Khánh Thủy, Khánh Cư, ngay trong những ngày mưa lớn vừa qua, bà con nông dân đã chủ động gieo mạ dự phòng trên sân có làm khung, vòm, che chắn nilon cẩn thận. Như vậy, ngay khi nước rút là bà con có thể xuống đồng cấy lại lúa nên sẽ không lo bị muộn thời vụ.
Bài, ảnh: Hà Phương