Năm 2017 là năm tỉnh ta nói chung, huyện Yên Mô nói riêng bị ảnh hưởng nặng từ các cơn bão, hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới. Theo báo cáo của UBND huyện Yên Mô, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1, số 10 và áp thấp nhiệt đới đã làm trên 470 ha lúa mùa, 516 ha cây vụ đông bị thiệt hại và giảm năng suất; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; gần 10km đê tràn và có nguy cơ bị tràn... Ước tổng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trên 59 tỷ đồng.
Tuy nhiên với sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các cấp, cùng với sự chuẩn bị tốt vật tư, phương tiện, thống nhất chỉ huy theo phương án 4 "tại chỗ", công tác PCTT-TKCN đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo đồng chí Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô, một trong những nguyên nhân triển khai tổ chức tốt phương án PCTT-TKCN đó là các cấp đã có sự chủ động, sự chuẩn bị ngay từ đầu năm 2017, xây dựng kế hoạch và phương án phù hợp với từng đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương. Trước mùa mưa bão, Ban chỉ huy PCTT-TKCN của huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị của các xã, thị trấn, các đơn vị trên địa bàn.
Đặc biệt trong mùa mưa bão, Yên Mô đã theo dõi sát diễn biến thời tiết, kịp thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai tốt công tác PCTT-TKCN, có sự phối hợp chặt chẽ kịp thời khắc phục sự cố, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
Điển hình như cơn bão số 10, tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương nhưng mưa to và triều cường đã làm một số đoạn trên đê hữu sông Vó (qua xã Khánh Thượng) và đê tả sông Ghềnh (đoạn qua ao cá, xã Yên Phong) bị tràn, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn đê điều, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Với tình hình trên, Yên Mô đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành nâng cấp, xử lý cấp bách các tuyến đê không để xảy ra vỡ đê, tràn đê trên diện rộng.
Hay áp thấp nhiệt đới trong tháng 10 đã làm trên 1.000 ha lúa mùa trên địa bàn huyện bị ngập lụt, nhiều diện tích lúa chín bị ngập sâu và gần 10.000 m đê bị tràn và có nguy cơ tràn. Ban chỉ huy quân sự huyện đã phối hợp với các đơn vị của Quân đoàn I, chiến sỹ công an, các tổ chức chính trị xã hội tham gia thu hoạch nhanh lúa bị ngập úng của nhân dân và tham gia chống tràn trên các tuyến đê.
Bên cạnh đó, huyện và các địa phương đã huy động 223 ca máy xúc, trên 7.000 cọc tre, gần 1.400 m3 cát, đá mạt, gần 46.000 bao bì và hàng nghìn ngày công để nâng cấp, gia cố các tuyến đê tràn và có nguy cơ bị tràn.
Ngay sau mưa bão, huyện Yên Mô đã tập trung cao cho công tác khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Ngoài chính sách của Trung ương, của tỉnh, Yên Mô đã cấp trên 223 triệu đồng hỗ trợ nhân dân làm đất trồng khoai tây vụ Đông với định mức hỗ trợ 2,8 triệu đồng/ ha.
Dự báo năm 2018, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta tương đương trung bình nhiều năm. Mùa mưa có khả năng đến sớm hơn và diễn biến phức tạp, khó lường. Từ kinh nghiệm rút ra trong công tác PCTT-TKCN các năm trước, để đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, năm 2018 Yên Mô đã xác định phải coi công tác phòng là chính, chống phải tích cực ngay từ giờ đầu, ngày đầu trên cơ sở chuẩn bị tốt "4 tại chỗ".
Hiện nay, Yên Mô đã xây dựng kế hoạch và đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trong đó, chú trọng tổ chức Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn, ngành, lĩnh vực.
Tiến hành kiểm tra chất lượng đê, kè, cống và các công trình phục vụ PCLB, từ đó xác định rõ trọng điểm PCTT để xây dựng, hoàn thiện phương án PCTT-TKCN của các cấp, các ngành theo phương châm 4 "tại chỗ" đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án PCTT đang triển khai trên địa bàn huyện, từng bước đưa các hạng mục vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu của công tác PCTT-TKCN. Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc 4 tại chỗ.
Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, tự giác chuẩn bị các phương tiện, vật tư cần thiết trước mùa mưa bão.
Giáng Hương