Là hoạt động diễn ra thường xuyên, phổ biến trong đời sống xã hội, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhà ở thành phố Tam Điệp nhưng thỉnh thoảng bà Lê Thị Loan lại có nhu cầu mua sắm ở các siêu thị tại thành phố Ninh Bình. Theo bà Lan, không phải ở Tam Điệp không có nhiều hàng hoá, sản phẩm mà như một thói quen, nhu cầu giải trí, mỗi dịp ra thành phố Ninh Bình có việc là bà lại dành thời gian đi mua sắm ở siêu thị.
Lần này, bà Lan đến Siêu thị GO Ninh Bình (xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình) để mua sắm bởi xem thông tin trên web của siêu thị, bà thấy rất nhiều mặt hàng đang chạy chương trình giảm giá trong thời gian ngắn nên tranh thủ đi mua sắm.
“Tôi thường xuyên mua sắm ở siêu thị bởi tôi tin tưởng vào chất lượng, nguồn gốc hàng hoá được bày bán ở đây, giá cả lại phải chăng… Người tiêu dùng như tôi luôn tin tưởng vào công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đại diện Siêu thị GO Ninh Bình, với 24.000 mặt hàng được bày bán, Siêu thị đã đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố Ninh Bình và vùng lân cận.
Các mặt hàng tại Siêu thị phần lớn là hàng sản xuất trong nước, các thương hiệu hàng tiêu dùng khá quen thuộc với người dân như: nước giặt Omo, kem đánh răng Closeup, sữa Vinamilk…
Hàng tháng, Siêu thị đều tung ra 2 chương trình khuyến mãi với việc giảm giá một số sản phầm nên thu hút đông lượng khách hàng đến mua sắm. Các chương trình khuyến mãi đều được Siêu thị đăng ký trước với Sở Công Thương theo quy định.
Trung bình, một ngày Siêu thị đón từ 5.000-6.000 lượt khách, cao điểm dịp lễ, Tết, cuối tuần là hơn 10.000 lượt khách.
Thanh toán online bằng việc quét mã QR, qua Internet banking được các siêu thị, cửa hàng áp dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng.
Tại Siêu thị VNMart (phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình), là siêu thị nhỏ nhưng thường xuyên có đông khách hàng tại các khu dân cư xung quanh đến mua sắm.
Theo chị Vũ Thu Hằng, quản lý Siêu thị: Để tạo niềm tin và uy tín với khách hàng, đem đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi mua sắm, Siêu thị triển khai đúng, kịp thời các chương trình khuyến mãi từ các nhãn hàng, thương hiệu. Các sản phẩm bày bán, khách hàng đều có thể quét mã QR để kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ.
Vì lượng hàng hoá nhiều, nhân viên Siêu thị thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát hàng hoá để kịp thời phát hiện các trường hợp hàng quá hạn sử dụng. Hàng hoá nhập từ các nhà phân phối đều có hợp đồng, hoá đơn rõ ràng. Hàng năm, Siêu thị đều đón các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của tỉnh, thành phố kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Xuân (phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình) đến mua sắm tại Siêu thị VNMart cho biết: Sinh sống gần đây nên Siêu thị là địa chỉ mua sắm quen thuộc của người dân chúng tôi. Điều khiến tôi và gia đình mua sắm lâu dài tại đây bởi tin tưởng vào nguồn gốc hàng hoá. Thỉnh thoảng, nhân dịp ngày lễ, kỷ niệm, đi siêu thị mua sắm lại được tặng 1 món quà nho nhỏ thì khách hànhg cũng thấy phấn khởi…
Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thị trường hàng hoá tương đối ổn định. Hàng hoá thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tình hình chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tương đối tốt; quyền lợi của người tiêu dùng cơ bản được bảo vệ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong thời gian qua, các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng không nhiều. Đối với những khiếu nại, kiến nghị của người tiêu dùng khi phát sinh đều được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra và giải quyết theo quy định. Các hành vi vi phạm đã được các lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Vũ Đức Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình cho biết: Giai đoạn 2019-2024, lực lượng Quản lý thị trường Ninh Bình đã kiểm tra 6.515 vụ, đã xử lý 3.935 vụ với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là hơn 13,7 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần lành mạnh hoá thị trường.
Trước tình hình công tác quản lý thị trường được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế mở và tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại… Phấn đấu góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trong đó, lực lượng Quản lý thị trườn sẽ tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo tuyến, theo địa bàn, nhất là dịp cao điểm cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tập trung xử lý các mặt hàng như: pháo nổ, thuốc lá, bia rượu, nước giải khát, hàng thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm, hàng điện tử, xăng dầu…
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hoá tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán sầm uất, cơ sở sản xuất. Chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động, sự chia sẻ của toàn xã hội đối với các giải pháp và hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp chia sẻ thông tin giữa lực lượng Quản lý thị trường với cơ quan Thuế, Hải quan…