Tích cực hưởng ứng phong trào, Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tham gia hiệu quả phong trào, phấn đấu sẽ hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong quý II/2025...
Nhìn lại những năm qua, việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, người có công luôn được tỉnh ta thực hiện với tinh thần chủ động và quyết liệt.
Nổi bật, năm 2010, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, dột nát cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo theo Đề án 02 và Đề án 06 của HĐND tỉnh; giai đoạn 2015- 2020 có trên 3 nghìn hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh Ninh Bình được Trung ương đánh giá là địa phương trong tốp đầu của cả nước làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở. Đồng hành cùng các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, ngay cả trong những giai đoạn còn nhiều khó khăn, tỉnh ta luôn chủ động, tranh thủ lồng ghép với ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác, ban hành các chính sách, đề án đặc thù phù hợp với địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, trong đó có hỗ trợ nhà ở cho hộ chính sách.
Mới đây nhất, một chính sách điển hình, có tác động mạnh đến vấn đề nhà ở của hộ nghèo, đó là Nghị quyết số 43, ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 43 ban hành quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 với điểm nhấn là mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách thêm hộ người có công, hộ cận nghèo.
Chính sách đậm tính nhân văn này mở ra hi vọng, giúp người có khó khăn về nhà ở thêm cơ hội hiện thực khát vọng an cư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cho thấy cũng còn có những khó khăn khách quan cần tháo gỡ.
Đã có những người nghèo, cận nghèo để lỡ cơ hội thụ hưởng chính sách vì không đáp ứng đủ yêu cầu về đất ở hợp pháp, nguồn vốn đối ứng… Bởi vậy, để chính sách sớm đến được với đối tượng thì những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện cần có giải pháp khắc phục phù hợp, kịp thời. Muốn vậy, sự chia sẻ, đùm bọc và giúp đỡ về đất ở, hỗ trợ thêm kinh phí của chính người thân trong gia đình, dòng họ và cộng đồng cần được tiếp tục khơi dậy và phát huy.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một chiến dịch “phá cũ làm mới” đơn thuần mà đó còn là hành trình tạo dựng niềm tin, vun đắp động lực và thắp sáng niềm tin cho người yếu thế. Mọi sự yêu thương, chia sẻ và đùm bọc nên được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực. Những viên gạch, ngày công lao động, diện tích đất đủ để xây nhà… đó sẽ là sức mạnh để kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho người nghèo gặp khó khăn về nhà ở.