Chiều 19/3, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị với thành phần mở rộng để thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng.
Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các địa phương có liên quan.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung bộ (giai đoạn I).
Dự án thuộc nhóm A với mục tiêu xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung (kết nối huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa-các huyện: Kim Sơn, Yên Mô, Nho Quan và thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình-đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình), đồng thời kết nối với các tỉnh vùng Tây Bắc, kết nối với đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Quốc lộ 1, Quốc lộ 12B, Quốc lộ 45, Quốc lộ 10 và đường bộ ven biển đi các tỉnh đồng bằng duyên hải Bắc Bộ, Trung Bộ.
Trục giao thông này cũng là trục kết nối gần và thuận lợi nhất với hệ thống cảng biển (cảng Hải Thịnh, Nghi Sơn) thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp, khoáng sản.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn trình bày Dự án xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung bộ (giai đoạn I).
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, việc xây dựng tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân các huyện Kim Sơn, Yên Mô, thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan và các vùng lân cận, nhất là vùng Tam Điệp Nho Quan.
Kết nối giao thông vận tải, phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp, kết nối vùng sang tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, kết nối cao tốc Bắc Nam; phát triển quỹ đất sang đất công nghiệp du lịch, dịch vụ và đất ở cho khu vực, tạo sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thời gian thực hiện từ năm 2025-2028.
Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cao với chủ trương và đánh giá việc xây dựng Dự án nhằm hướng đến việc mở rộng không gian, tạo dư địa và động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh, bền vững, thay đổi trạng thái để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư xây dựng Dự án và các điều kiện để thực hiện đầu tư, các đại biểu đề nghị trong quá trình triển khai phải xem xét, đánh giá kỹ về thực trạng và nguồn lực, những thuận lợi, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tính liên kết giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh; kế hoạch kết nối với các tuyến giao thông phụ trợ, việc công khai quy hoạch, phương án giao thông, kiến trúc xây dựng các cầu qua sông.
Đồng thời đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, góp phần đảm bảo tiến độ của Dự án và sớm phát huy hiệu quả đầu tư.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đoàn Minh Huấn ghi nhận, đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung bộ (giai đoạn I)-đường Đông Tây giai đoạn II, theo đề nghị của Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh.
Đồng chí cũng lưu ý về cách đặt tên tuyến đường gắn với lịch sử, văn hoá vùng đất Ninh Bình. Đồng thời đề nghị khẩn trương triển khai Dự án, khởi công Dự án, xác định đây là công trình chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cho ý kiến về dự thảo Đề án hợp nhất Báo Ninh Bình và Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Tô Văn Từ trình bày Đề án hợp nhất Báo Ninh Bình và Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình.
Trên cơ sở dự thảo Đề án, các đại biểu đã cho ý kiến về quan điểm, nguyên tắc yêu cầu đối với việc hợp nhất, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Báo - Đài; về tên gọi, về tổ chức bộ máy, biên chế, cơ quan sau hợp nhất; phương án xử lý cán bộ dôi dư sau hợp nhất; chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn của cơ quan sau hợp nhất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Sau phần thảo luận dự thảo Đề án, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bỏ phiếu biểu quyết về việc hợp nhất Báo Ninh Bình và Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình. Theo đó, với 100% số phiếu tán thành, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Đề án hợp nhất Báo Ninh Bình và Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình thành Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh ủy, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/5/2025.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ thống nhất cao với Đề án hợp nhất Báo Ninh Bình và Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình thành Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu kết luận các nội dung trình tại hội nghị.
Nhấn mạnh mục tiêu của sắp xếp các cơ quan báo chí nhằm tạo dư địa cho báo chí địa phương phát triển, đồng chí lưu ý sau hợp nhất cần chủ động triển khai phương án, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, bảo đảm vận hành trơn tru, thúc đẩy báo chí đa phương tiện; quan tâm phát triển kinh tế truyền thông.
Đồng thời có phương án sắp xếp cán bộ dôi dư; thành lập các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, góp phần xây dựng cơ quan Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Bình ngày càng phát triển.