Đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng phòng PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết: Xác định việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy có vai trò quan trọng trong công tác PCCC trên địa bàn, vì vậy ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy được ban hành, Công an tỉnh đã chú trọng phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCCC, trọng tâm là Luật PCCC; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Nghị định số 79 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC...
5 năm qua, Công an tỉnh đã làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình trên cơ sở đó tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành 19 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác PCCC. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với đặc điểm địa bàn, đối tượng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cấp, các ngành và nhân dân.
Trong đó nổi bật là Công an tỉnh đã xây dựng, đăng tải 186 tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng và cấp 33 khuyến cáo, cảnh báo nguy cơ cháy nổ trong dịp Tết nguyên đán, lễ hội và mùa hanh khô; căng treo gần 3.000 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên các tuyến đường chính và trụ sở cơ quan, đơn vị; cấp phát 339 bộ tài liệu, 1.700 tờ rơi, 7.000 cuốn cẩm nang PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh....
Bên cạnh đó, lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã thực hiện nghiêm việc kiểm tra, thẩm duyệt hồ sơ các dự án, công trình về công tác PCCC theo đúng các quy chuẩn của Nhà nước, qua đó đã kịp thời phát hiện những vấn đề không đảm bảo an toàn PCCC và kiến nghị chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC theo quy định.
Trong 5 năm từ 2014-2018, Công an tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 350 hồ sơ đề nghị thẩm duyệt về PCCC; nghiệm thu 329 dự án, công trình. Phát hiện và kiến nghị chủ đầu tư thực hiện hàng trăm giải pháp về an toàn PCCC. Ngoài ra, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đóng góp ý kiến về công tác PCCC cho 256 dự án, công trình.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh đặc biệt quan tâm công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các vụ cháy nổ, từ khâu phối hợp đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến về quy trình báo, tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy, nổ, tai nạn, sự cố qua số máy điện thoại 114 và hướng dẫn các biện pháp chữa cháy ngay từ giai đoạn ban đầu đến việc chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức thường trực, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện, hậu cần để ứng phó với các tình huống xảy ra, không để đột xuất, bất ngờ.
Đồng thời, chủ động xây dựng các phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng tại các cơ sở trọng điểm có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ nhằm đảm bảo an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh và địa bàn các khu dân cư cũng như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Trong 5 năm, đã xây dựng bổ sung 155 phương án chữa cháy và tổ chức phối hợp thực tập 145 phương án chữa cháy, trong đó có 17 phương án chữa cháy có quy mô lớn, tình huống giả định phức tạp tại các cơ sở trọng điểm về PCCC của tỉnh. Chú trọng đầu tư và quản lý trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Duy trì thực hiện nghiêm công tác thường trực chiến đấu 24/24h, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra.
Từ năm 2014 đến 2018, toàn tỉnh xảy ra 85 vụ cháy, làm bị thương 5 người, thiệt hại về tài sản khoảng 11,6 tỷ đồng và 4 ha rừng. Tất cả các vụ cháy đều được các lực lượng chức năng chữa cháy, cứu nạn kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, để kịp thời hướng dẫn khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC tại các đơn vị, Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành tổ chức kiểm tra trên 10.312 lượt, thông qua kiểm tra đã trực tiếp hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, đặc biệt là phát hiện, hướng dẫn khắc phục 5.890 sơ hở, thiếu sót; hướng dẫn 480 cơ sở mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Để đạt được mục tiêu giảm thiểu nguy cơ các vụ cháy nổ xảy ra, Công an tỉnh đã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý những vi phạm về PCCC và tìm hiểu nguyên nhân các vụ cháy nổ từ đó đưa ra những giải pháp phòng ngừa. Trong 5 năm, đã điều tra kết luận nguyên nhân của 71/85 vụ (83,5%), trong đó không có trường hợp nào vi phạm pháp luật hình sự về PCCC; xử lý vi phạm hành chính về PCCC đối với 299 trường hợp, phạt tiền trên 600 triệu đồng; tạm đình chỉ và đình chỉ 5 trường hợp.
Cùng với đó, Công an tỉnh còn quan tâm xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, trong đó đã hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thành lập 145 đội dân phòng với tổng số 2.170 đội viên tham gia; hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp thành lập 1.044 đội PCCC cơ sở với tổng số 36.785 đội viên. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho các lực lượng PCCC tại chỗ theo định kỳ.
Trong 5 năm, Công an tỉnh đã mở 556 lớp huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng với 28.47 lượt người tham gia, nhằm xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp trong PCCC, giúp cơ sở chủ động hơn trong công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn.
Bài, ảnh: Kiều Ân