Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm, cả nước xảy ra hơn 3.000 vụ cháy, làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra tại khu vực thành thị, trong đó cháy tại loại hình nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng hơn 70%. Như vậy, các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn do cháy diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh...
Một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy, nổ là do ý thức chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), an toàn trong sử dụng điện, cách bố trí hàng hóa của chủ hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh chưa cao và chưa phù hợp với quy định. Đòi hỏi mỗi người dân cần quan tâm, nâng cao ý thức, trách nhiệm để đảm bảo an toàn về PCCC. Như không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong phòng, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ với số lượng ít nhất; xe máy và các phương tiện, dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải được đậy kín, để xa nơi sinh hoạt.
Tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh, cơ quan chuyên môn biết để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm và hỗ trợ chữa cháy, cứu nạn...
Trong rất nhiều các giải pháp được đề ra, giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ được phổ biến toàn dân, gắn chặt với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được quan tâm triển khai hiệu quả, rộng khắp. Mỗi người dân cần có kiến thức về công tác PCCC, cần trang bị đầy đủ hệ thống PCCC hoặc các thiết bị báo cháy từ sớm.
Cùng với đó là sự phối hợp trong thực hiện của các lực lượng thực thi nhiệm vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Việc xác định các lực lượng trong công tác PCCC cũng cần được quy định rõ ràng và cụ thể. UBND xã, phường, thị trấn là cấp quản lý sâu sát, gần nhất, cần có trách nhiệm chính và trực tiếp trong quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất.
Lực lượng Cảnh sát PCCC có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy; tham mưu cho UBND các cấp trong công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với hộ gia đình và hộ kinh doanh; tham mưu các chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm an toàn PCCC ở khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất.
Đối với mỗi gia đình, cơ quan, doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ hệ thống, thiết bị PCCC phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, mỗi người phải biết sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ để khi phát hiện đám cháy nhỏ biết dập tắt, ngăn cháy thành ngọn lửa lớn.
Để nâng cao hiệu quả PCCC và cứu nạn, cứu hộ, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản, kế hoạch nhằm kịp thời triển khai thi hành Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành chuyên môn nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Qua đó tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tiến hành các hoạt động và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Công tác tuyên truyền cần được phối hợp, quan tâm, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, đơn vị và người dân. Tăng cường tập huấn về Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ và các văn bản quy định chi tiết thi hành, nhất là tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức làm công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ và các văn bản quy định chi tiết thi hành với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và Nhân dân.
Đặc biệt, ngành chức năng cần phân loại, lập, công bố danh sách các cơ quan, đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không bảo đảm yêu cầu về PCCC để quản lý, giám sát chặt chẽ. Tăng cường công tác diễn tập, theo nhiều hình thức, như diễn tập tổ liên gia, diễn tập giữa các lực lượng của địa phương phối hợp tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...
Qua diễn tập có sự hỗ trợ của lực lượng Công an PCCC, ngành chuyên môn, giúp thành viên tổ liên gia tích lũy được những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để phản ứng kịp thời khi không may sự cố cháy xảy ra.
Diễn tập cũng góp phần nâng cao ý thức chủ động PCCC và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố; đồng thời, tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý với các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố của các lực lượng và người dân trên địa bàn đối với các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra.