Là người chuyên đi chợ thực phẩm ở khu vực phường Thanh Bình, chị Đỗ Thị Thủy (phường Nam Bình) cho biết: dọc con phố Ngọc Sơn dài chưa đến 1 km nhưng có lẽ vì độ tuổi kết hôn của thanh niên ở phố này sàn sàn nhau nên cả năm đi qua đây, thỉnh thoảng lại thấy có nhà mắc rạp đám cưới. Lẽ ra đây là niềm vui của mỗi gia đình, người ngoài chẳng can thiệp hay có ý kiến gì. Tuy nhiên, mọi vấn đề lại xuất phát từ… chiếc rạp cưới. Hầu như gia đình nào khi mắc rạp cũng lấn chiếm kín con đường qua lại của xe cộ và người. May lắm thì chỉ còn "chừa" một khoảng nhỏ đủ để một xe máy đi qua. Những nhà có xe ô tô hầu như những ngày có rạp mắc đều "bí", không thể đưa xe về nhà. Chưa kể, có tình huống khi gia đình có người ốm đau cần gọi xe cấp cứu mà gặp đám cưới thì quả là…
Không riêng gì ở phường Thanh Bình, hầu như ở các xã, phường trên địa bàn thành phố Ninh Bình, mỗi khi phố nào có sự kiện hiếu, hỉ… gia đình tổ chức đều thuê mắc rạp và dường như họ không quan tâm đến việc đi lại của những người xung quanh. Ở những phố có đường xá rộng rãi còn đỡ, những phố (nhất là phố cũ) như ở Thanh Bình, Vân Giang…đường phố chật hẹp, rạp được dựng lên thường vượt quá tiêu chuẩn quy định nên lấn chiếm không gian, diện tích của phố.
Điều đáng nói ở đây là đối với những gia đình có việc hiếu, hỉ, dường như ít nhà quan tâm đến quy định của thành phố về việc dựng rạp đảm bảo các tiêu chí về chiều dài, chiều rộng, thời gian mắc rạp… Do đó, lòng, lề đường thường bị chiếm dụng, thành nơi tổ chức ăn uống. Chưa kể, các phương tiện đến dự hiếu, hỉ như: xe máy, ô tô… còn được đỗ, đậu tràn lan khắp xung quanh rạp khiến giao thông khu vực đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để giải quyết tình trạng này, thành phố Ninh Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những gia đình có việc cần mắc rạp nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về trật tự đô thị, an toàn giao thông và Quy chế quản lý đô thị. Vừa qua, UBND thành phố đã tổ chức hội nghị quán triệt quy chế quản lý đô thị và triển khai ký cam kết đối với các cơ sở cho thuê nhà rạp trong việc dựng rạp đám cưới, đám tang và tổ chức sự kiện.
Thành phố Ninh Bình đã tổ chức ký cam kết đối với 70 cơ sở kinh doanh nhà rạp trong việc thực hiện đúng các quy định dựng rạp đám cưới, đám tang và tổ chức sự kiện. Đây được xem là giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ cho thuê rạp trong việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế quản lý đô thị của thành phố.
Theo quy định, các hộ gia đình khi có việc không được dựng rạp dưới lòng đường đối với các tuyến đường Trần Hưng Đạo, 30 tháng 6, Lương Văn Thăng, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hồng Phong, Lê Đại Hành, Nguyễn Công Trứ, Trần Nhân Tông, Nguyễn Minh Không.
Mỗi cá nhân, hộ gia đình chỉ được phép làm một rạp, kích thước của rạp là: Chiều dài không quá 20m, chiều rộng không quá 5m; Vị trí lắp dựng rạp: Trên vỉa hè và một phần lòng đường đối với những tuyến đường có kích thước vỉa hè ≤ 5,0 m. Bên cạnh đó, một phần rạp nằm dưới lòng đường tuân thủ các điều kiện sau: Phần mép ngoài cùng của rạp nằm dưới lòng đường cách mép bo của đường không quá 2,0; cách mép bo đường đối diện không được nhỏ hơn 3,0 m.
Bài, ảnh: Lý Nhân