Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên lĩnh vực phát triển kinh tế, UBND Thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng rà soát, đánh giá và tổ chức cho các đơn vị xã, phường đăng ký xây dựng mô hình "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
Theo đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng Kinh tế thành phố đã làm tốt công tác tham mưu, triển khai đến 14/14 xã, phường; đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lựa chọn ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình.
Thông qua mô hình nhằm khai thác tiềm năng lợi thế, qua đó từng bước nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 2 sản phẩm đạt OCOP chất lượng 4 sao là: Cơm cháy cố đô của Công ty cổ phần sinh hóa Ninh Bình và Thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn ở xã Ninh Nhất; 3 sản phẩm đạt OCOP chất lượng 3 sao đó là: hoa cúc vàng của HTX hoa Ninh Phúc, Trà Hoa Cúc của HTX RITI xã Ninh Tiến; Tinh bột sắn dây Thanh Tùng ở xã Ninh Nhất.
Khảo sát thực tế tại phường Ninh Sơn cho thấy: Triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế, tháng 10 năm 2021, Hội Nông dân phường đã thành lập và ra mắt "Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cơ khí phường" với sự tham gia của 5 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực sản xuất cơ khí.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của Hội, các hội viên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức đúng đắn về sự phối hợp, liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh… Đến nay, Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cơ khí của phường bước đầu đã phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cho các thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Còn ở xã Ninh Phúc, HTX hoa Ninh Phúc là một minh chứng cho hiệu quả "Dân vận khéo" xây dựng sản phẩm thương hiệu.
Tham gia mô hình Dân vận khéo "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), HTX hoa Ninh Phúc (có tổng diện tích trên 14 ha với hơn 200 hộ tham gia, tập trung ở các thôn Đoài Hạ, Đoài Thượng, Đông Thượng, Vĩnh Tiến) đã tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ nông dân về mục đích, ý nghĩa, chương trình OCOP; vận động xã viên tham gia sản xuất sản phẩm hoa cúc vàng để xây dựng thương hiệu.
Đến nay, hoa cúc vàng của HTX hoa Ninh Phúc dần dần chiếm vị trí chủ đạo, trở thành nguồn thu nhập chính của phần lớn người dân địa phương, thu nhập từ trồng hoa mỗi hộ có thể cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sản phẩm hoa cúc vàng của HTX hoa Ninh Phúc đã trở thành thương hiệu không chỉ với người chơi hoa trong tỉnh mà còn đi khắp các tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Hòa Bình…
Đối với Hội Nông dân xã Ninh Nhất, thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", Hội đã đăng ký xây dựng mô hình "Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt thâm canh". Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đến nay đã có 20 hộ nông dân ở thôn Bình Khê và Nguyễn Xá tham gia mô hình trên diện tích nuôi là 11 ha, trong đó nuôi chuyên canh là 3,7 ha, nuôi theo hình thức lúa - cá là 7,3 ha.
Tham gia mô hình nuôi cá nước ngọt, các thành viên trong Tổ hợp tác đã được Hội nông dân các cấp tạo điều kiện về nguồn vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi thủy sản, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm... Đến nay, mô hình nuôi cá nước ngọt đã mang lại hiệu quả với giá trị sản xuất đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Được biết, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên lĩnh vực phát triển kinh tế, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của thành phố đã hướng về cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, tích cực giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Trong năm 2021, toàn thành phố đã xây dựng được 8 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" về phát triển kinh tế. Nhiều cách làm hay, mô hình "Dân vận khéo" có hiệu quả tiếp tục được duy trì và phát triển, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân, nhất là trong hoạt động thương mại, dịch vụ; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có năng suất.
Ngoài các mô hình tiêu biểu nêu trên, còn có các mô hình "Vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, khai thác, sử dụng hiệu quả các khu đất nông nghiệp hữu cơ" của Hội Nông dân thành phố; mô hình "Vận động thành lập tổ hội nghề nghiệp dịch vụ cơ khí dân dụng" của Hội Nông dân phường Nam Bình; mô hình "Tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện cánh đồng mẫu lớn" của HTX nông nghiệp Thiện Trạo, phường Ninh Sơn; mô hình "Tuyên truyền, vận động xây dựng tổ hội nghề nghiệp sản xuất mộc dân dụng" của Hội Nông dân phường Ninh Phong; mô hình "Vận động hội viên tham gia làm kinh tế, phát triển tổ hội giặt là" của bà Đinh Thị Hồng, hội viên nông dân phố Phúc Tân, phường Tân Thành…
Từ các phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên lĩnh vực phát triển kinh tế đã làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm của người nông dân, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Bài, ảnh: Hương Giang