Là nơi thành lập Đảng bộ huyện Kim Sơn, những năm qua, cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Yên Lộc đã huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo, thu hút các nguồn lực xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Với người dân xã Yên Lộc, ký ức, niềm tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng vẫn luôn sống mãi. Theo Lịch sử Đảng bộ xã, ngày 6/6/1947, tại Đình Thượng, thôn Tuy Lộc, xã Trưng Nhị (nay là xã Yên Lộc) đã diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Kim Sơn. Đồng chí Nguyễn Ngọc Ái-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thay mặt Tỉnh ủy Ninh Bình công bố thành lập Đảng bộ huyện Kim Sơn gồm 21 đảng viên và chỉ định đồng chí Mai Văn Tiệm là Bí thư Huyện ủy lâm thời.
Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc son chói lọi trong trang sử cách mạng huyện Kim Sơn, đồng thời là niềm tự hào của Nhân dân xã Yên Lộc, trở thành một trong những cái nôi của phong trào cách mạng huyện.
Sự kiện Đảng bộ huyện Kim Sơn ra đời tại quê hương Yên Lộc đã thôi thúc và tiếp thêm nhiệt huyết cách mạng để địa phương phát triển lên một bước mới. Ngày 6/1/1948, Chi bộ đảng xã Yên Lộc được thành lập tại nhà thờ chi họ Vũ ở Thượng khu Tuy Lộc và là một trong những Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện.
Trong điều kiện Chi bộ mới được thành lập, quân phản động đẩy mạnh phá hoại trên quy mô lớn, ngang nhiên cướp phá, giết người, sát hại cán bộ..., Chi bộ xã Yên Lộc đã kiên trì thực hiện chính sách mềm dẻo nhằm thực hiện mục tiêu đoàn kết lương - giáo; lãnh đạo Nhân dân chống phá âm mưu và hoạt động của bọn phản cách mạng; tuyên truyền chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước; có những biện pháp đồng bộ, kiên quyết vạch mặt, trừng trị những phần tử chống phá nguy hiểm, làm thất bại mọi âm mưu phản động.
Chi bộ cũng coi trọng công tác củng cố, xây dựng Đảng bộ vững mạnh: tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển đảng viên, thành lập các tổ Đảng; phát triển các tổ chức quần chúng để thực hiện công tác dân vận. Đồng thời xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang và nâng cao đời sống Nhân dân, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, động viên quần chúng tham gia phong trào cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, người dân Yên Lộc đã đóng góp vượt mức quân lương, chi viện sức người, sức của, chia lửa với chiến trường, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quê hương, đất nước. Nhiều gia đình có 2, 3 con, thậm chí 1 con độc nhất cũng đăng ký tòng quân. Nhiều gia đình được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen cao quý.
Năm 2014, xã Yên Lộc được Chủ tịch nước công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhân dân Yên Lộc qua bao thế hệ vẫn luôn tự hào về quá khứ vinh quang với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cùng Đảng bộ huyện Kim Sơn viết lên trang sử hào hùng, để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và Nhân dân Yên Lộc chuyển sang giai đoạn mới, tập trung xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Trương Công Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Lộc chia sẻ: "Với truyền thống cách mạng vẻ vang được hun đúc trong 76 năm qua, Yên Lộc hôm nay đang dần chuyển mình trong nhịp sống mới. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao với mức thu nhập bình quân năm 2024 ước đạt 72 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,29%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Cảnh quan môi trường nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp, hệ thống giao thông thuận lợi, khang trang.
Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, nông thôn mới nâng cao năm 2022, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Yên Lộc đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới".
Trong phát triển kinh tế, địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như trồng lúa chất lượng cao kết hợp cơ giới hóa, hình thành vùng trồng rau giống và các loại rau theo mùa quy mô lớn; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại… Khuyến khích phát triển các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp, duy trì nghề truyền thống như: nghề mộc, thủ công mỹ nghệ, đan lát bèo bồng, khai thác các nguồn hàng từ các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, tạo việc làm cho người dân.
Với thế mạnh về thổ nhưỡng đất đai, nông dân Yên Lộc tập trung phát triển các vùng trồng rau màu quy mô lớn.
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế trên địa bàn cũng đạt được nhiều thành tựu. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, sân chơi thiếu nhi... được sửa chữa, xây mới, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chia sẻ về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Lộc Trương Công Đoàn cho biết: "Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, truyền thống của những người đi mở đất, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Yên Lộc sẽ tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVI đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng quê hương Yên Lộc ngày càng phát triển, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, đẹp về văn hóa, xứng đáng là quê hương anh hùng của dân tộc anh hùng".
Sức sống mới đang được thổi bùng trên quê hương cách mạng Yên Lộc. Với truyền thống lịch sử hào hùng cùng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự đoàn kết, thống nhất của Nhân dân sẽ tạo tiền đề quan trọng để Yên Lộc tiếp tục phát triển và không ngừng đổi mới trên những chặng đường tiếp theo.