"Tuyến đường không rác" là mô hình không mới, được Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" thành phố công nhận năm 2018. Nhắc đến các tuyến đường trên địa bàn thành phố, không thể không nhắc đến việc một số nơi rác vẫn được người dân vứt, đổ bừa bãi, rồi rác từ lá cây, cành cây sau các trận mưa bão không có người dọn, rác do hoạt động kinh doanh, buôn bán không được dọn dẹp ngay...
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác vệ sinh môi trường đối với việc bảo vệ môi trường sống, Hội Phụ nữ thành phố đã triển khai làm điểm tại 5 phố thuộc tuyến đường Lê Đại Hành, phường Thanh Bình với mô hình "Tuyến đường không rác" do Hội Phụ nữ tự quản. Trên các tuyến đường không rác đã vận động người dân thực hiện ký cam kết đổ rác đúng giờ, đổ rác theo tín hiệu; Mỗi gia đình hội viên có 1 thùng được rác có nắp đậy; Thành lập các tổ phụ nữ tự quản về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường để kiểm tra, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện...
Chỉ trong thời gian ngắn, hoạt động vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực với sự tham gia trực tiếp, thường xuyên của cán bộ, hội viên các chi hội. Từ mô hình làm điểm ban đầu, đến nay 14/14 phường, xã trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 14 tuyến đường không rác do phụ nữ tự quản. Với việc triển khai dọn dẹp vệ sinh thường xuyên cùng với công tác tuyên truyền, vận động mà tại các tuyến đường đều có sự thay đổi trong nhận thức, trách nhiệm của mỗi hội viên phụnữ và gia đình. Vừa tham gia vừa bảo nhau nên việc nhân rộng các tuyến đường không rác khá thuận tiện.
Cái được mà ai cũng thấy rõ là các tuyến đường sạch đẹp hơn, người dân có ý thức hơn trong việc vệ sinh môi trường, không để rác thải bừa bãi. Không chỉ giữ gìn vệ sinh môi trường, Hội Phụ nữ các xã, phường còn có những cách làm để tô điểm thêm cho các tuyến đường. Điển hình như tuyến đường Phạm Thuật Duật của Hội Phụ nữ phường Ninh Sơn có chiều dài 3,8km, Hội đã gắn biển và vận động các nguồn xã hội hóa được 35 triệu đồng trồng cây ăn quả và hoa dọc 2 bên đường, được chính quyền và người dân địa phương đánh giá cao.
Các mô hình mô hình "Dân vận khéo" do Hội Phụ nữ chủ trì, phát động những năm gần đây như: ngày thứ bảy sạch, Tuyến đường không rác, mô hình đường hoa, bồn hoa phụ nữ, mô hình chi hội có 100% gia đình hội viên phụ nữ sử dụng thùng rác có nắp đậy, mô hình thu gom phế liệu đã được xây dựng và nhân rộng tại 14 phường, xã. Quan trọng hơn cả là từ các mô hình đã huy động được sự tham gia của phụ nữ và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn nét đẹp văn hóa trong từng cộng đồng, thôn/phố.
Hiện toàn thành phố đã xây dựng được 123 mô hình "Tổ phụ nữ tự quản về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường", 104 mô hình "Chi hội có 100% gia đình hội viên phụ nữ sử dụng thùng rác có nắp đậy", 42 mô hình "Sử dụng làn nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng nilon". Mô hình đường hoa, bồn hoa, bồn cây phụ nữ từ nguồn xã hội hóa và vận động hội viên phụ nữ đóng góp được 94 triệu đồng đã được nhân rộng với chiều dài 24 km...
Cùng với các mô hình "dân vận khéo" trong lĩnh vực văn hóa- xã hội, dân vận khéo trong phát triển kinh tế được Hội quan tâm sát sao. Bám sát hoạt động giảm nghèo của các địa phương, năm 2019, Hội Phụ nữ thành phố đã phát động triển khai mô hình "Chung tay giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn", thực hiện tại 14/14 phường, xã. Các cấp Hội đã nhận đăng ký giúp đỡ 28 hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo thoát nghèo. Điển hình như: chị Nguyễn Thị Bảy (xã Ninh Nhất) có hoàn cảnh hết sức khó khăn khi chồng mất, một mình nuôi hai con đang học đại học) được Hội cho vay 132,5 triệu để nuôi con ăn học và phát triển chăn nuôi, bán quần áo.
Hay như trường hợp của chị Nguyễn Thị Tuyết (phường Bích Đào) mắc bệnh tim, một mình nuôi con ăn học, Hội đã giới thiệu cho chị vào làm công nhân ở bộ phận nhặt chỉ quần áo và đan giỏ nhựa với mức thu nhập 2.000.000đ/tháng, trích quỹ hỗ trợ gia đình chị 1 tấn xi măng để xây nhà Đại đoàn kết và vận động hội viên, phụ nữ hỗ trợ 20 ngày công thu dọn và vận chuyển vật liệu xây nhà.
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ thành phố đã tạo điều kiện cho 156 gia đình hội viên phụ nữ vay 470,7 triệu đồng từ nguồn hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm tại chi hội. Điển hình như: Hội phụ nữ Ninh Nhất giúp đỡ chị Đỗ Thị Phương (chi hội thôn Ích Duệ) bị tai nạn xe máy gãy chân vay 7.000.000đ từ quỹ chi hội mua máy khâu để sửa quần áo tại nhà. Hội Phụ nữ phường Ninh Phong tặng 50 con gà con cho chị Nguyễn Thị Xuyến để phát triển chăn nuôi. Vận động các nguồn xã hội hóa được 123,8 triệu đồng tặng sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, mua sách vở, đồ dùng học tập, giống, vốn cho 136 gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó...
Với sự tham gia vào cuộc của các cấp Hội và hội viên phụ nữ đối với các mô hình "dân vận khéo" trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ thành phố tin tưởng sẽ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Bùi Diệu