Thực hiện Đề án 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân thành phố Ninh Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện Đề án đến đông đảo cán bộ, hội viên trong toàn Hội. Thông qua tuyên truyền, nhiều hội viên là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức đúng đắn về sự phối hợp, liên kết nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với khi làm đơn lẻ, tùy vào đặc thù của từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Trên cơ sở 5 tiêu chí mà Đề án 24 quy định là: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Các chủ cơ sở đã chủ động tìm hiểu về cơ chế, chính sách, về các đối tác dự định liên kết trong tổ, hội... để có sự chuẩn bị cho việc thành lập các mô hình.
Tháng 7/2017, tổ hội nghề nghiệp cơ khí phường Bích Đào được thành lập, là mô hình điểm của Hội Nông dân tỉnh thực hiện Đề án số 24 của Trung ương Hội nông dân Việt Nam về việc xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp. Anh Nguyễn Văn Hưởng, chủ cơ sở sản xuất cơ sở Phúc Hưởng cho biết:
Trước kia khi chưa thành lập tổ hội nghề nghiệp, bản thân cơ sở của tôi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại và đầu ra cho sản phẩm ở một số thời điểm... Khi nắm bắt được thông tin về Đề án 24, bản thân tôi đã cảm thấy "ưng" và chủ động tìm kiếm đối tác tương trợ. Tổ hội nghề nghiệp cơ khí được thành lập với sự tham gia của 6 cơ sở sản xuất lĩnh vực nhôm, kính, cơ khí đã hỗ trợ nhau rất hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Từ khi có tổ hội nghề nghiệp, các vấn đề về đầu tư máy móc, tìm kiếm mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm... đã có sự chung tay, cùng bàn giải pháp. Do đó, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với trước kia hoạt động đơn lẻ. Điều thuận lợi là cùng với sự hỗ trợ của các thành viên trong tổ hội nghề nghiệp, khi tham gia tổ hội, các cơ sở còn được các cấp Hội Nông dân quan tâm, hỗ trợ việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ quỹ hỗ trợ nông dân, từ Ngân hàng Chính sách xã hội...
Hiệu quả từ mô hình làm điểm ban đầu đã tạo sức lan tỏa, đến nay trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tổ hội nghề nghiệp gắn với đặc thù từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cho hội viên nông dân. Từ các mô hình được triển khai, Hội Nông dân thành phố đã có nhiều hoạt động để giúp đỡ, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, duy trì hiệu quả mô hình như: đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các chính sách về liên kết sản xuất, kinh doanh theo mô hình tổ hội nghề nghiệp; tổ chức chuyển giao, tập huấn khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, kiến thức mới trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện để các tổ hội đươc vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng tổ hội liên kết "4 nhà" theo chuỗi giá trị...
Hiện nay, trên địa bàn thành phố đang duy trì hoạt động của các tổ hội nghề nghiệp cơ khí, may, mộc... hoạt động khá hiệu quả, đem đến sự khởi sắc cho các mô hình kinh tế do hội viên nông dân chủ trì. Kết quả từ hoạt động của các tổ hội nghề nghiệp được đánh giá là tạo tiền đề quan trọng cho việc tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó góp phần thiết thực trong việc phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, góp phần tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp, hợp tác xã.
Bùi Diệu