Đến thăm Trung tâm vào một ngày làm việc, không khí học tập buổi sáng diễn ra khá sôi nổi, vui tươi. Hầu hết các phụ huynh đưa con em đến học đều dành chút thời gian, nán lại để chào hỏi, tạm biệt con em, thực hiện các động tác, câu chào đơn giản để các cháu biết thực hành theo. Tại các lớp học: lớp vận động, lớp can thiệp cá nhân, lớp giao tiếp, kỹ năng... các cô giáo đang miệt mài, tỉ mỉ với các bài giảng là động tác, là giọng nói, hành động... để hướng dẫn các em thuộc các dạng rối loạn phát triển khác nhau.
Giám đốc Trung tâm, chị Bùi Thị Thu cho biết: Xuất phát từ nhu cầu của nhiều phụ huynh có con em mắc các hội chứng rối loạn, phải vất vả, tốn kém tiền bạc trong hành trình đi tìm cơ sở cho con được học hành, can thiệp ở tận Hà Nội. Năm 2010, ban đầu là nhóm tương trợ phụ huynh trên địa bàn thành phố do một số cá nhân đã được đào tạo các chuyên ngành: tâm lý, giáo dục đặc biệt, mầm non... phối hợp với phụ huynh có con em thiết lập. Sau khi nhóm hình thành, số lượng học sinh theo học ngày càng tăng, nên nhóm đã thành lập Công ty, phát triển thêm các cơ sở và hiện nay là mô hình trung tâm.
Hiện nay, tại Trung tâm gồm 3 cơ sở đã thu hút được 160 cháu theo học ở độ tuổi từ 12 tháng đến dưới 6 tuổi. Các trường hợp đến học tại Trung tâm thường gặp là: tự kỷ, chậm ngôn ngữ, chậm về phát triển trí tuệ, down, tăng động... Trong đó, tự kỷ là triệu chứng đòi hỏi quá trình giáo dục gian nan hơn cả. Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy tại Trung tâm, đội ngũ giáo viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ rối loạn phát triển. Cùng với kiến thức chuyên môn được đào tạo bài bản, hàng năm Trung tâm còn mời các chuyên gia tâm lý, giáo dục đặc biệt từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội về tập huấn chuyên sâu, tổ chức tập huấn nội bộ, tham gia Mạng lưới tự kỷ Việt Nam... Do đó, các trường hợp đến với Trung tâm đều được giáo dục, can thiệp phù hợp với từng triệu chứng, có sự tiến bộ, chuyển biến từng ngày.
Giờ dạy về giao tiếp.
Nhiều gia đình có con em theo học tại Trung tâm đã phối hợp rất chặt chẽ với Trung tâm để quá trình can thiệp của con em đạt hiệu quả. Phụ huynh của cháu Nguyễn Hạnh Ngân ở xã Trường Yên, Hoa Lư cho biết: Con gái tôi hơn 3 tuổi, theo học tại Trung tâm được 1 năm. Lúc đầu, khi bố mẹ nhận thấy con chậm nói hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, nhận thức cũng kém hơn, tương tác với bố mẹ kém, thường không có phản hồi. Đưa con đi khám mới biết con mắc chứng chậm nói, tăng động nhẹ nên được người quen giới thiệu đã đưa con đến Trung tâm Thiên thần nhỏ theo học. Điều mà gia đình phấn khởi nhất là chỉ sau 1 tháng theo học với sự can thiệp bước đầu, cháu đã có những phản hồi lại với bố mẹ khi biết chào, biết dạ, vâng khi được hỏi...Đến nay bé hạnh Ngân đã có những chuyển biến tích cực, bé nói khá, biết nhiều từ và gia đình đã cho bé học hòa nhập mầm non được 3 tháng nay...
Niềm vui của gia đình bé Hạnh Ngân cũng là niềm vui của hàng trăm gia đình đã cho con theo học và được can thiệp tại Trung tâm Thiên thần nhỏ. Hiện nay, tại Trung tâm có 2 hình thức học phù hợp với nhu cầu của các gia đình là học bán trú cả ngày, trong đó có 1 giờ can thiệp ca và theo học ca 1 giờ/1 học viên. Đồng thời, trẻ theo học tại đây còn được học tập thêm các lớp giao tiếp, kỹ năng, vận động.
Với việc duy trì thường xuyên 40 ca can thiệp cá nhân, 2 lớp kỹ năng nhóm, 3 lớp bán trú, hơn 100 trẻ, các hoạt động của Trung tâm đã góp phần can thiệp, giáo dục cho nhiều trẻ em mắc chứng rối loạn phát triển có cơ hội hòa nhập giáo dục. Tuy nhiên, theo các giáo viên giảng dạy lĩnh vực này, cùng với sự hỗ trợ của giáo viên và Trung tâm, sự vào cuộc, phối hợp của các gia đình là hết sức quan trọng bởi quá trình can thiệp, giáo dục trẻ rối loạn phát triển với các mục tiêu đề ra, các bài tập về nhà rất cần thiết được thực hiện, duy trì thường xuyên sau các giờ học để đem lại hiệu quả cao nhất cho trẻ.
Bài, ảnh: Bùi Diệu