Hưởng ứng chủ trương của thành phố về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp theo Chương trình công tác số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy, Hội Nông dân thành phố đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân hiểu rõ về chủ trương, có sự chuẩn bị chu đáo cho việc thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biết áp dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao giá trị thu nhập.
Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, phường chú trọng phối hợp mở các lớp tập huấn kiến thức để giúp hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm tham gia sản xuất. Hội cũng quan tâm tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh. Do đó, người nông dân thành phố đã tự tin, mạnh dạn trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào từng mô hình sản xuất của gia đình.
Đến nay, việc ứng dụng kỹ thuật, cải tiến biện pháp canh tác và đưa cây trồng mới vào sản xuất được Hội Nông dân thành phố và các ngành liên quan quan tâm chỉ đạo, bước đầu một số kỹ thuật đã cho thấy hiệu quả và được ứng dụng mở rộng như: phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên, phục tráng giống nếp hạt cau tại HTX Ninh Nhất với diện tích 10 ha, trồng cây dược liệu gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tại xã Ninh Tiến, phường Ninh Sơn, mô hình trồng và chăm sóc cây quất cảnh, quất thế, các loại hoa đô thị, hoa hồng tại phường Ninh Sơn, xã Ninh Phúc...
Bên cạnh đó, Hội Nông dân các xã, phường đã tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành tốt chủ trương đổi thửa, dồn điền để tích tụ ruộng đất, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, phục vụ thuận lợi cho nhu cầu sản xuất hàng hóa. Các xã, phường có diện tích đất sản xuất nông nghiệp đều quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động tích tụ ruộng đất. Từ năm 2015, UBND xã Ninh Phúc đã tạo điều kiện cho hộ gia đình ông Trịnh Văn Điện ở thôn Đoài Hạ thuê mượn, tích tụ được khoảng 1 ha đất nông nghiệp để đầu tư hệ thống nhà lưới trồng các loại hoa phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Từ đó đến nay, diện tích đất nông nghiệp ở xã sản xuất nông nghiệp như Ninh Phúc, Ninh Sơn, nhất là diện tích trồng hoa được mở rộng từ 5 ha lên trên 14 ha vào chính vụđể phục vụ nhu cầu hoa ngày tết cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, ngoài duy trì diện tích trồng hoa có giá trị cao như hoa lily, hoa lay ơn, các hộ trồng hoa đã chuyển dịch cơ cấu sang trồng đa dạng các chủng loại để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, qua đó góp phần đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Đối với diện tích trồng lúa, Hội Nông dân thành phố đã vận động, khuyến khích hội viên nông dân đưa vào canh tác các giống lúa có chất lượng cao để phục vụ nhu cầu của người dân thành thị. Hiện nay diện tích lúa chất lượng cao trên địa bàn thành phố thường xuyên duy trì khoảng 70% diện tích gieo cấy. Ngay trong kỹ thuật canh tác, Hội Nông dân các địa phương đã làm tốt việc vận động hội viên đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp và kỹ thuật mới để giảm chi phí đầu vào. Đến nay tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt trên 90%, khâu thu hoạch đạt trên 75%, gieo thẳng đạt 25-30%.
Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp Hội Nông dân thành phố, trên địa bàn các xã sản xuất nông nghiệp đã hình thành các mô hình hợp tác. Tiêu biểu như mô hình thu mua hành hoa tại HTX Nông nghiệp Yên Phúc, xã Ninh Phúc với thu nhập trng bình từ trồng hành đạt khoảng 19,2 triệu đồng/sào/năm, tương đương đạt giá trị trên 533 triệu đồng/ha/năm; xã Ninh Phúc hiện có trên 5000m2 đất sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với các mô hình trồng quất cảnh, trồng hồng cổ… cho giá trị thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người nông dân…
Bài, ảnh: Bùi Diệu