Bám sát các nội dung của phong trào thi đua, Hội Người cao tuổi thành phố đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để giảm nghèo, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội. Nhiều người cao tuổi đã chủ động, sáng tạo tiếp thu khoa học kỹ thuật, đổi mới tư tưởng, phương thức lao động, sản xuất, kinh doanh... Với đặc thù của từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhiều hội viên cao tuổi đã áp dụng nhanh nhạy, kịp thời những tiến bộ, công nghệ mới vào sản xuất, tích cực truyền dạy những kinh nghiệm nghề nghiệp cho con cháu, nhất là ở những nơi có làng nghề truyền thống, kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Nhiều người cao tuổi hoặc trực tiếp làm chủ, hoặc là điểm tựa hướng dẫn, giúp đỡ con cháu làm ăn.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, người cao tuổi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, của gia đình và con cháu nên có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cũng như nhiều cá nhân, doanh nghiệp, nhiều mô hình kinh tế cho người cao tuổi làm chủ cũng gặp khó khăn về vốn, tiếp thu khoa học kỹ thuật, sản phẩm... Vượt qua những khó khăn của thị trường, nhiều hội viên cao tuổi của thành phố đã nỗ lực vươn lên, thực sự xứng đáng là những tấm gương tuổi cao, gương sáng.
Có thể kể đến bác Dương Xuân Bằng là hội viên chi hội Người cao tuổi phố Vạn Phúc, phường Thanh Bình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ trong quân đội, về nghỉ hưu tại địa phương bác Bằng lại tiếp tục tham gia công tác ở phố với cương vị là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận. Không vì tuổi cao, tham gia công tác bận rộn, bác Bằng cũng là người nhanh nhạy với thời cuộc để phát triển kinh tế.
Nắm bắt được xu thế của thị trường đồ gỗ, bác Bằng đã mạnh dạn thuê 1.400m2 mặt bằng tại làng nghề mộc Ninh Phong để xây dựng xưởng sản xuất. Xưởng gỗ của gia đình bác chuyên nhận xẻ gỗ, sấy gỗ, làm cốt pha, cung cấp cho các tổ hợp, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu về gỗ. Đến nay, xưởng gỗ của gia đình bác đã tạo dựng được uy tín, có nhiều đơn hàng ở trong và ngoài tỉnh. Doanh thu hàng năm từ xưởng gỗ đạt 600 triệu đồng, thu nhập của lao động làm việc tại xưởng là 6 triệu đồng/người/tháng. Gia đình bác Bằng cũng tích cực tham gia đóng góp ủng hộ các phong trào, hoạt động tại khu dân cư nơi cư trú lẫn nơi xưởng gỗ đứng chân, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.
Hay như tấm gương của bác Nguyễn Trọng Mạnh, hội viên Người cao tuổi phố Hợp Thành, phường Ninh Khánh. Bác Mạnh được người dân địa phương nhắc đến với tình cảm quý mến, trân trọng. Tuy tuổi cao nhưng bác đảm nhiệm rất nhiều công việc ở cơ sở: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận. Đảm nhận công việc được mệnh danh là "vác tù và hàng tổng", nhưng bác Mạnh không nề hà gì việc đến từng nhà để tuyên truyền, vận động, triển khai chủ trương, chính sách cho người dân. Khi thì là quyên góp, ủng hộ các quỹ, khi lại là tuyên truyền tham gia đăng ký hiến máu tình nguyện. Lúc lại là vận động các doanh nghiệp ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện...
Với vai trò, trách nhiệm của mình, bác Mạnh đã góp phần đưa Hội Chữ thập đỏ phường Ninh Khánh đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong việc thực hiện các chính sách xã hội, khơi dậy và phát huy truyền thống nhân ái, được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, gia đình trên địa bàn hưởng ứng thiết thực.
Đặc biệt, phát huy hiệu quả tinh thần "tương thân, tương ái", hoạt động hiến máu tình nguyện trên địa bàn phường đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của người dân. Hiện trên địa bàn phường có 50 tình nguyện viên đã nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện, trong đó có 6 tình nguyện viên được tôn vinh. Hội còn thành lập và duy trì 1 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện gồm 20 thành viên. Đây là câu lạc bộ đầu tiên của tỉnh Ninh Bình hoạt động có hiệu quả, thường xuyên hiến máu tình nguyện cho các bệnh viện trong khu vực khi có nhu cầu.
Bản thân bác Mạnh đã có thâm niên 12 năm trực tiếp tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, góp phần thu hút hơn 600 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện. Bác Nguyễn Trọng Mạnh được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tôn vinh là 1 trong 26 cán bộ Hội xuất sắc toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Bận rộn với công việc là vậy, nhưng khi trở về nhà, bác Mạnh cũng là người làm kinh tế giỏi khi bác cùng gia đình tổ chức nuôi ong lấy mật đạt hiệu quả cao. Với khoảng 60- 70 bọng ong chăm sóc thường xuyên, mỗi năm gia đình bác cũng có doanh thu trên 200 triệu đồng. Đồng thời, bác còn giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương có thu nhập ổn định...
Những tấm gương tiêu biểu kể trên là 2 trong tổng số hơn 100 người cao tuổi tiêu biểu của thành phố được tuyên dương, khen thưởng vì đã phát huy vai trò "tuổi cao gương sáng", vươn lên làm giàu chính đáng, có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho xã hội, cộng đồng.
Bài, ảnh: Lý Nhân