Việc sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Đón nhận chủ trương này, nhiều cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và kỳ vọng vào cuộc cách mạng lần này sẽ góp phần tạo sức bật cho đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bà Lê Thị Bích, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Bình, từng chứng kiến những thay đổi đơn vị hành chính trong quá khứ, đặc biệt là quá trình hợp nhất và chia tách tỉnh Hà Nam Ninh nên bà thấu hiểu sâu sắc chủ trương sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Nhớ lại những năm tháng công tác, bà Bích cho biết: Sau khi đất nước thống nhất, ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V đã ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Hà thành tỉnh mới lấy tên là Hà Nam Ninh. 2 năm sau đó (năm 1977), khi ấy bà là Kỹ sư nông nghiệp, công tác tại Trại giống lúa Khánh Nhạc (huyện Kim Sơn) và là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Ninh Bình thì được điều động công tác về làm Chánh Văn phòng Hội LHPN tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày ấy, cả gia đình bà (gồm 4 người) được bố trí ở một căn phòng chỉ 8m2 tại khu tập thể nhà công vụ ở thành phố Nam Định. Sau 16 năm hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập và đi vào hoạt động, bà Lê Thị Bích trở về công tác tại Hội LHPN tỉnh Ninh Bình cho đến khi nghỉ hưu (năm 2002).
Bà Lê Thị Bích chia sẻ với phóng viên Báo Ninh Bình về niềm tin và sự kỳ vọng việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tạo động lực phát triển đất nước.
Bà Bích nhớ lại: 15 năm công tác ở Hội LHPN tỉnh Hà Nam Ninh đã cho tôi nhiều kỷ niệm khó phai. Những năm đầu khi thực hiện hợp nhất tỉnh, tôi cũng như nhiều cán bộ thời đó gặp không ít khó khăn, trở ngại, bởi phong cách làm việc, văn hoá của mỗi địa phương ít nhiều có sự khác biệt, không thể một sớm một chiều hoà đồng được. Đó còn là những khó khăn đến từ cuộc sống riêng của mỗi cá nhân khi phải làm việc xa nhà… Song, vượt lên trên hết, tôi và các đồng nghiệp đã không ngừng học hỏi, đoàn kết, nỗ lực vượt qua để cùng nhau xây dựng cơ quan Tỉnh Hội Phụ nữ Hà Nam Ninh phát triển vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Hà Nam Ninh, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm những năm tháng công tác nhiều khó khăn nhưng cũng đầy nỗ lực trong giai đoạn hợp nhất tỉnh, bà Lê Thị Bích tin tưởng với sự quyết tâm cao và những bước đi bài bản, thận trọng, chủ trương sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính (ĐVHC) sẽ được triển khai thành công, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Quá trình này cũng được kỳ vọng sẽ diễn ra một cách minh bạch, dân chủ, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và đảm bảo quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách ở cơ sở - những đối tượng bị tác động trực tiếp bởi quá trình sắp xếp.
Bà Lê Thị Bích cho rằng, điều quan trọng là người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp phải thực sự công tâm, trách nhiệm trong bố trí, sử dụng cán bộ, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, cục bộ địa phương, gây mất đoàn kết nội bộ.
Sự đồng thuận và kỳ vọng của người dân được xây dựng trên nền tảng niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước. Ông Lê Văn Đáng, Bí thư Chi bộ phố Trung Nhì, phường Tân Thành (thành phố Hoa Lư), người đã đi qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước và chứng kiến bao đổi thay của đất nước bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ. Với nhãn quan của một người từng trải, ông nhìn nhận việc sắp xếp ĐVHC là một bước đi cần thiết, một cuộc cách mạng thực sự để tinh gọn bộ máy, lựa chọn những người có thực lực làm việc trong bộ máy công quyền, từ đó tiết kiệm chi ngân sách, tăng nguồn lực đầu tư, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Ông Lê Văn Đáng (ngoài cùng bên trái) tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh trên địa bàn sắp xếp hàng hóa gọn gàng, đảm bảo trật tự, không gây ồn ào, mất trật tự công cộng.
Ông Lê Văn Đáng nhìn nhận: Việc sắp xếp, tinh gọn ĐVHC là sự tiếp nối và đẩy mạnh tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Với phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng” đã thể hiện rõ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc sắp xếp ĐVHC lần này. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Khi sáp nhập có tâm lý, tâm trạng về quê hương thì đúng rồi, tôi hết sức chia sẻ. Nhưng đất nước chính là quê hương, chúng ta phải vì sự phát triển chung. Sáp nhập để gọn lại, tiết kiệm chỉ là một phần, sáp nhập để tạo động lực, tạo dư địa cho phát triển mới là quan trọng!”.
Với vai trò là Bí thư chi bộ, tôi luôn quán triệt chủ trương sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) đến các cán bộ, đảng viên trong chi bộ. Nhìn chung, cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong khu phố bày tỏ sự ủng hộ. Riêng cá nhân tôi, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và nếu phải nghỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp lực lượng cán bộ không chuyên trách ở cơ sở thì tôi luôn sẵn sàng.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ, việc xây dựng một đơn vị hành chính cấp tỉnh đủ mạnh, có quy mô phù hợp được xem là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thường, đảng viên 55 năm tuổi Đảng ở phường Vân Giang (thành phố Hoa Lư) chia sẻ: Tôi cho rằng đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, bởi thời đại 4.0 thì giới hạn về khoảng cách địa lý đã không còn là trở ngại quá lớn trong công tác quản lý Nhà nước. “Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, tôi tin rằng việc sắp xếp ĐVHC sẽ tạo ra đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn, sẽ huy động, tập trung nguồn lực và điều kiện để đầu tư vào các công trình trọng điểm, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và các dịch vụ công.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính là một việc làm khó và còn rất nhiều việc phải làm, song sự đồng thuận của mỗi người dân trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC là sự khởi đầu thuận lợi để việc triển khai các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định, tiến độ, khoa học và hiệu quả. Niềm tin và kỳ vọng đang được thắp lên, thôi thúc toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh chung sức, đồng lòng hiện thực hoá chủ trương sắp xếp, tinh gọn ĐVHC, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.