Những bước đi đầu tiên
Ninh Bình là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên với hệ sinh thái di sản thiên nhiên rất đặc biệt như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Quần thể danh thắng Tràng An... và di sản văn hóa độc đáo, gắn liền với các thời kỳ lịch sử Cố đô Hoa Lư.
Thời gian qua, sự thành công của bộ phim “Kong: Skull Island” của đạo diễn Jordan VogtRoberts với những cảnh quay hoành tráng tại Ninh Bình cho thấy nơi đây hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim “bom tấn” của Hollywood. Bên cạnh đó, bộ phim “Pan và vùng đất Neverland” đã chọn Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hang Én (Quảng Bình), đầm Vân Long (Ninh Bình) làm bối cảnh để thực hiện một số cảnh quay đẹp. Trong phim, non nước Ninh Bình rực rỡ, kỳ bí là cơ hội để quảng bá du lịch đến với bạn bè quốc tế.
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Những năm gần đây du lịch Ninh Bình liên tục được xướng tên trên các chuyên trang du lịch uy tín của thế giới như: Tạp chí Du lịch và giải trí (Mỹ) xếp Ninh Bình vào danh sách 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á; là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn Ninh Bình là một trong 23 điểm đáng đến nhất thế giới. Năm 2024, Ninh Bình đứng vị trí thứ 4 trong “Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông”; top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới…
Với định hướng từ sớm là bảo tồn các giá trị di sản để phát triển kinh tế theo hướng xanhhài hòa-bền vững, Ninh Bình đã bảo tồn thành công nhiều di sản vật thể và phi vật thể, điển hình trong số đó là Quần thể danh thắng Tràng An. Sau hơn 10 năm được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Tràng An đã thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế, nhất là du lịch. Bên cạnh đó, Tràng An cũng đã thu hút sản xuất một số bộ phim nổi tiếng như: Người Mỹ trầm lặng, Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc, Thiên mệnh anh hùng, Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu), Khát vọng Thăng Long, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, 578-Phát đạn của kẻ điên, Về nhà đi con, Trạng tí, Hương vị tình thân, Vui lên nào anh em ơi… Qua những bộ phim này đã góp phần quảng bá về văn hóa, du lịch, con người Cố đô tới bạn bè quốc tế.
Đánh giá về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam chia sẻ: Ninh Bình có cảnh quan vừa độc đáo vừa phong phú, tựa như một Việt Nam thu nhỏ, lại chứa đựng trầm tích lịch sử và văn hoá lắng đọng từng lớp sâu thẳm. Điều này phù hợp với việc quy hoạch xây dựng phim trường cổ trang mà ở Việt Nam chưa có, tiến tới khai thông và phát triển dòng phim lịch sử, dã sử Việt Nam…
Cùng với những lợi thế về cảnh quan, Ninh Bình đã đi đầu xây dựng những cơ chế vượt trội để đón các nhà làm điện ảnh trong nước và quốc tế. Tôi tin rằng, khi công nghiệp điện ảnh phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành du lịch, dịch vụ và kinh tế liên quan, mà bài học phát triển công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc có thể là một hình mẫu để tham khảo…
Nhiều dư địa để phát triển
Phát triển du lịch thông qua điện ảnh là câu chuyện không mới. Điện ảnh đã khẳng định là kênh quảng bá du lịch hữu hiệu trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Những cảnh quay đẹp trong các bộ phim “bom tấn” có thể tạo ra “ma lực” thu hút khách du lịch, giúp các điểm đến, địa danh, sản phẩm, dịch vụ du lịch trong phim trở nên nổi tiếng từ đó kích cầu du lịch.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch ở Ninh Bình thời gian qua vẫn chỉ là sự ngẫu nhiên. Một vài lát cắt hình ảnh lọt vào ống kính máy quay của đạo diễn vẫn chỉ là bối cảnh đơn thuần, làm nền cho nội dung chứ chưa phục vụ mục đích chính là quảng bá du lịch. Những tác phẩm điện ảnh thể hiện mối gắn kết, hiệu quả giữa điện ảnh và du lịch đến nay vẫn chưa thực sự có được. Tiềm năng du lịch của Ninh Bình vẫn chưa được các nhà làm phim “đánh thức” và khai thác một cách hiệu quả, việc quảng bá các điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh vẫn dừng lại ở một vài ví dụ nhỏ lẻ.
Nắm rõ những lợi thế trong việc quảng bá du lịch bằng con đường điện ảnh, tại Nghị quyết số 22-NQ/TU về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025-2035, định hướng đến năm 2050 cũng xác định rõ mục tiêu cụ thể “công nghiệp điện ảnhcông viên phim trường” là một trong 10 lĩnh vực công nghiệp văn hóa có lợi thế cạnh tranh của địa phương dựa trên thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ. Điện ảnh cũng là một trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa đã được Chính phủ phê duyệt, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Chính vì vậy, theo đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch, thời gian tới, để thu hút nhiều đoàn làm phim quốc tế đến Ninh Bình khảo sát và chọn làm bối cảnh quay phim cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành du lịch và các cấp, ngành, doanh nghiệp, đưa ra các chính sách mới tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất phim quốc tế vào Ninh Bình. Qua đó đưa hình ảnh, thương hiệu điểm đến với khán giả toàn cầu thông qua các bộ phim “bom tấn”.
Để làm được điều này, Ninh Bình đã nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ các đoàn làm phim, nghệ thuật biểu diễn, marketing địa phương. Đồng thời tại Nghị quyết số 22-NQ/ TU về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đã đưa ra những giải pháp mang tính vượt trội như: Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chủ lực dựa vào tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh; lấy nhu cầu văn hóagiải trí làm động lực; lấy sáng tạo văn hoá, nghệ thuật làm giá trị cốt lõi; lấy thương mại hoá ý tưởng đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ làm đột phá.
Theo đó, Ninh Bình sẽ đẩy nhanh phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa-giải trí như công nghiệp biểu diễn-tổ chức sự kiện, công nghiệp thể thao, công nghiệp điện ảnh-công viên phim trường. Mỗi phân ngành ưu tiên lựa chọn một số sản phẩm nổi trội, mang tính khác biệt để thu hút đầu tư phát triển vượt trước, hình thành “sân chơi” hấp dẫn cho những người nổi tiếng trong giới công nghiệp văn hóa-giải trí, sớm đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm tổ chức sự kiện nghệ thuật, thể thao, điện ảnh của vùng và đất nước.