Tháng 3 năm 1962, đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thuộc Ty Công an Ninh Bình được thành lập, chỉ có một Tiểu đội chữa cháy gồm 11 đồng chí được trang bị 1 xe chữa cháy Zin 164 và 1 máy bơm chữa cháy. Lực lượng và phương tiện chiến đấu được trang bị ban đầu còn thiếu thốn, thô sơ, tuy vậy cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC Ty Công an Ninh Bình đã triển khai ngay các biện pháp công tác PCCC, sẵn sàng nhận lệnh lên đường chiến đấu, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do giặc Mỹ gây ra tại miền Bắc, bảo vệ an toàn các nhà máy, xí nghiệp, khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh, phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc XHCN, góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trong giai đoạn 1965-1972, lực lượng PCCC Ty Công an Ninh Bình đã nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất, không sợ hy sinh, gian khổ, luôn lấy 6 điều Bác Hồ dạy CAND, 4 điều Bác dạy lực lượng Cảnh sát PCCC làm kim chỉ nam cho mọi hành động, sẵn sàng "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Hàng trăm lần xuất quân đi chữa cháy dưới mưa bom, bão đạn của máy bay Mỹ, đơn vị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điển hình là ngày 7/11/1965, nhiều tốp máy bay giặc Mỹ tập trung đánh phá khu vực ga Đồng Giao, trong đó có trận địa tên lửa bị trúng đạn, chiếc xe chở tên lửa đất đối không đã nạp đạn có nguy cơ bị cháy.
Trong tình thế cực kỳ hiểm nghèo, nếu quả tên lửa bị bén lửa nổ sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhận lệnh chiến đấu của Tỉnh ủy, Ty Công an Ninh Bình tập trung chỉ đạo đơn vị Phòng cháy chữa cháy Hoa Lư do đồng chí Mai Huy Bổng làm Đội trưởng khẩn trương lên đường làm nhiệm vụ, đã dùng sức mạnh của lăng A chữa cháy cắt đứt luồng nhiên liệu tên lửa đang bị cháy để chuyển tên lửa ra ngoài. Phương pháp chữa cháy này đã mở ra chiến thuật chữa cháy tên lửa và được nhiều đơn vị PCCC áp dụng có hiệu quả. Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Ninh Bình đã được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất (ngày 12/10/1966) và ngày 01/01/1967 được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Chặng đường 57 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Ninh Bình đã không ngừng lớn mạnh, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác PCCC. Được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh, đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã được trang bị nhiều phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH thế hệ mới với 22 xe ô tô chữa cháy, xe CNCH và xe chuyên dùng các loại cùng nhiều thiết bị hiện đại khác. Về quân số, biên chế của lực lượng Cảnh sát PCCC cũng được quan tâm tăng cường, trong đó số cán bộ, chiến sỹ nòng cốt đều được đào tạo trình độ chuyên môn cơ bản.
Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, trên địa bàn tỉnh tốc độ phát triển các khu công nghiệp và khu đô thị mới ngày càng tăng nhanh, hàng nghìn loại chất dễ cháy, nổ, hóa chất nguy hiểm cũng được sử dụng với khối lượng lớn để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng đã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về PCCC và xảy ra cháy, nổ, nếu không có những biện pháp, giải pháp phù hợp để thực hiện nhiệm vụ công tác đảm bảo an toàn PCCC. Xác định vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tăng cường công tác nắm, dự báo, phân tích, đánh giá tình hình có liên quan đến công tác PCCC và CNCH để chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện công tác PCCC một cách toàn diện, đồng thời đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các biện pháp về PCCC. Cán bộ chiến sỹ luôn hăng say học tập, tập luyện nghiệp vụ và đảm bảo chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ.
Bên cạnh công tác tham mưu, những năm qua, lực lượng Công an tỉnh cũng đã làm tốt công tác phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia công tác PCCC, củng cố, kiện toàn lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành. Đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tế công tác PCCC tại địa phương như: tổ chức tuyên truyền trực quan tại các khu dân cư; phát tờ rơi cảnh báo nguy cơ cháy, nổ, hướng dẫn các biện pháp PCCC; phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe chữa cháy trên các tuyến đường chính, nơi tập trung đông người; tổ chức vận động nhân dân và các cơ quan, doanh nghiệp ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC...
Công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC được quan tâm thực hiện, đã kịp thời phát hiện và hướng dẫn khắc phục nhiều sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC, qua đó góp phần loại trừ các nguy cơ cháy, nổ xảy ra, góp phần giữ vững ANTT, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hướng dẫn cách sử dụng bình xịt dập tắt đám cháy. Ảnh: Kiều Ân
Do triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong công tác PCCC và CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Ninh Bình đã góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Từ khi tái lập tỉnh (4/1992) đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện cứu chữa trên 300 vụ cháy, 12 vụ cứu nạn, cứu hộ đều đạt hiệu quả cao, bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Với những kết quả đạt, phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh liên tục được Bộ Công an, UBND tỉnh, Cục Cảnh sát PCCC, Giám đốc Công an tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen; đơn vị nhiều năm liền đạt danh hiệu Quyết thắng.
Trong giai đoạn hiện nay, để làm tốt công tác PCCC và CNCH, góp phần giữ vững ANTT, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, lực lượng PCCC cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân quán triệt, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác PCCC, đặc biệt là Luật Phòng cháy và chữa cháy, Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy" và các quy định của pháp luật về công tác PCCC và CNCH. Chú trọng phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức và nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCC và CNCH.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở... với phương châm lấy phòng ngừa là chính. Tổ chức tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, cán bộ công nhân, viên chức và người lao động thấy rõ trách nhiệm của bản thân trong công tác PCCC, từ đó tích cực tham gia PCCC và CNCH.
Tập trung làm tốt các biện pháp quản lý nhà nước về công tác PCCC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC.
Quan tâm công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH ngày càng chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Xây dựng lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành ngày càng có đủ khả năng xử lý các sự cố cháy nổ ngay từ giai đoạn đầu nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư kinh phí xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Từng bước tập trung triển khai xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác, chiến đấu tại địa bàn các huyện, thành phố.
Đại tá Nguyễn Thanh Sơn
Phó Giám đốc Công an tỉnh