Từ một vùng căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xã Phú Long hôm nay đã trở thành điểm sáng của huyện Nho Quan về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong công tác giảm nghèo và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước và trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Phú Long là một trong những xã được chọn là vị trí quan trọng nằm trong khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, nơi mở các lớp huấn luyện quân sự của khu căn cứ cách mạng, nơi chuyển giao giữa Chiến khu Quỳnh Lưu và Chiến khu Ngọc Trạo (Thanh Hóa). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Phú Long đã đoàn kết một lòng cùng cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc, giữ nước, bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ nền độc lập của nước nhà.
Dẫn chúng tôi đi tham quan di tích lịch sử tại Thung Lóng, anh Quách Văn Lý, Trưởng thôn 7, xã Phú Long cho biết: Nơi đây, vào tháng 6 năm 1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã tổ chức lớp “Trường Sơn kháng Nhật học hiệu” huấn luyện quân sự cho cán bộ các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, mở đầu cho phong trào luyện tập quân sự ở Ninh Bình, tiến tới giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Với ý nghĩa quan trọng, di tích đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ngày nay, Thung Lóng không chỉ là một địa danh lịch sử, mà còn là nơi để người dân địa phương tưởng nhớ và biết ơn những thế hệ đi trước. Mỗi tấc đất nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi và máu của cha ông. Lớp thế hệ trẻ chúng tôi luôn tự hào vì mình được sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, luôn nỗ lực phấn đấu để viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương.
Đồng chí Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long chia sẻ: Là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phú Long có địa hình phức tạp với 70% diện tích đất đồi, núi, vì vậy rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển giao thông, thủy lợi. Toàn xã có 10 thôn với 1.950 hộ với 7.320 nhân khẩu, có trên 40% dân số là dân tộc Mường. Trước đây, đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn do sản xuất canh tác còn nhiều lạc hậu. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và Nhân dân, Phú Long đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo phát triển bền vững gắn liền với an sinh xã hội, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó chú trọng tuyên truyền niềm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng, tinh thần đoàn kết, tự lực của vùng đất an toàn khu, từ đó khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường trong mỗi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Để giảm nghèo bền vững, Phú Long xác định yếu tố quan trọng là phải làm thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân dám nghĩ, dám làm, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi; đưa các loại cây, con phù hợp với thổ những địa phương như: cây dứa, mía, nuôi hươu, dê, lợn, ong mật… Nhờ vậy, năng suất, chất lượng các loại cây trồng, con nuôi không ngừng được cải thiện, bắt kịp với nhu cầu, yêu cầu của thị trường, nâng cao mức sống cho đồng bào.
Đặc biệt, năm 2013, Phú Long bắt đầu đưa cây Na vào trồng thử nghiệm, với diện tích là 47 ha và 20 hộ trồng. Sau một thời gian trồng cho thấy cây Na khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương bởi chất lượng quả hơn hẳn các giống Na trồng ở các địa phương khác. Để mô hình phát triển bền vững và nâng cao về giá trị sản phẩm đặc trưng của quê hương, xã đã thành lập “HTX Na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long”.
Đến nay, HTX đã có 45 hộ trồng với tổng diện tích lên tới 147 ha. Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện Na Phú Long đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, có gắn mã tem truy xuất nguồn gốc nên được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Sản phẩm thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, tập trung ở thị trường trong tỉnh và các tỉnh bạn như Nam Định, Thanh Hóa…
Cây Na trái vụ đem lại nguồn thu cao hơn gấp nhiều lần cây truyền thống như ngô, sắn (bình quân 1 ha Na trái vụ đạt 320 - 350 triệu đồng). Mô hình này đã được tỉnh và huyện đánh giá cao về hiệu quả và tiềm năng phát triển, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương trong huyện.
Trong những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Phú Long đã huy động các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó tuyên truyền tới Nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia xây dựng NTM. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã hiến 8.738 m2 đất ở, đất vườn để làm đường, chặt tỉa 630 cây các loại, phá dỡ 1.720 m2 tường bao, đóng góp tiền, ngày công trên 1,3 tỷ đồng. Từ sự góp sức của bà con nhân dân và sự hỗ trợ của Nhà nước, năm 2021, xã Phú Long đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
100% tuyến đường chính ở xã Phú Long đã được trải nhựa, bê tông kiên cố.
Cũng theo đồng chí Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long: Đi đôi với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Phú Long còn chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trước hết là chấp hành nghiêm hương ước, quy ước, nội quy của địa phương, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động. Bên cạnh đó, xã quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 Câu lạc bộ (CLB) hát đúm, 5 CLB cồng, chiêng, 5 CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao, 1 CLB bắn nNỏ, 1 CLB đánh mảng. Các CLB duy trì hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo Nhân dân, trong đó nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Các hoạt động văn hóa, thể thao, bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường được chú gìn giữ và phát huy như: vận động đồng bào mặc trang phục dân tộc truyền thống trong các ngày lễ lớn; duy trì hoạt động của các đội văn nghệ thôn, bản; tham gia hội diễn văn nghệ của huyện. Thông qua các hoạt động trên đã tạo môi trường diễn xướng, bảo tồn văn hóa các dân tộc nói chung, văn hóa Mường nói riêng.
Với những nỗ lực không ngừng, Phú Long đã đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú. Hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn xã có 44 hộ (chiếm 2,29%) trong đó hộ dân tộc thiểu số là 14 hộ, với 23 nhân khẩu. Việc xây dựng và phát triển các CLB văn hóa, văn nghệ không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc mà còn xây dựng một cộng đồng đoàn kết, gắn bó. Phú Long đã trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nông thôn mới ở vùng cao của Ninh Bình.