Nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao mà khoảng cách an toàn giữa các gian, quầy hàng không bảo đảm; thiếu lối thoát nạn và sơ tán hàng hóa; không có tường ngăn cháy; không có đủ nguồn nước chữa cháy; lực lượng và phương tiện chữa cháy vừa thiếu vừa yếu; thiếu thiết bị báo cháy, chữa cháy tự động; từ đó việc phát hiện, báo cháy thường không kịp thời... Tại nhiều chợ, các hộ kinh doanh căng lều bạt, mái che bằng nilon và các chất dễ cháy khác làm cản trở lối thoát nạn và giao thông phục vụ xe chữa cháy, đồng thời tăng nguy cơ cháy lan khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Nhiều hộ kinh doanh thắp hương, đốt vàng mã ngay tại nơi kinh doanh, không đảm bảo an toàn về PCCC.
Hệ thống điện ở nhiều chợ, nhất là các chợ tạm thiếu an toàn, việc sử dụng, quản lý chưa chặt chẽ, không đảm bảo việc tách riêng 3 hệ thống điện cung cấp cho sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất; hệ thống điện tại các chợ đã quá tải, dây dẫn điện được sử dụng lâu năm đã xuống cấp.
Tại các quầy hàng vẫn còn hiện tượng câu móc điện trái phép, đấu nối thêm các thiết bị điện, hàng hóa sắp xếp lại không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao.
Nhiều chợ, các hộ kinh doanh hàng ăn đốt than củi ngay sát nơi các hộ khác kinh doanh hàng dễ cháy nổ, do vậy gây nguy cơ cháy chợ cao. Mặt khác, hầu hết các chợ lại liền kề với khu dân cư, thậm chí có chợ xen lẫn trong khu dân cư, có chợ gần trường học dẫn đến nguy cơ dễ xảy ra cháy lan, cháy lớn cao.
Có chợ mặc dù đã được trang bị các loại bình chữa cháy xách tay tại các khu vực có nguy hiểm về cháy, nổ, tuy nhiên chưa đảm bảo về số lượng cần thiết khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; nhiều bình chữa cháy đã hỏng và hết khí, không sử dụng được.
Một số nơi đội ngũ bảo vệ, ban quản lý chợ chưa được tập huấn về công tác PCCC nên không biết cách sử dụng bình chữa cháy.
Trước thực trạng trên, nhằm tăng cường PCCC ở các chợ, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các công ty, doanh nghiệp trực tiếp quản lý chợ cần tổ chức thực hiện đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo an toàn PCCC. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức PCCC, chấp hành các quy định về PCCC đối với các hộ kinh doanh trong chợ.
Ban quản lý các chợ cần tăng kinh phí để phục vụ cho công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ, mua sắm bổ sung phương tiện chữa cháy và tập huấn, thực tập phương án chữa cháy, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ, đủ sức xử lý các tình huống mới phát sinh cháy khi mới xảy ra. Cảnh sát PCCC cần tăng cường và kiên quyết xử lý đối với việc vi phạm các quy định trong công tác PCCC chợ.
Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh và người tham gia mua bán tại các chợ cần thấy rõ việc thực hiện tốt công tác PCCC là bảo vệ mình và tự giác thực hiện nghiêm các nội quy, quy định về an toàn PCCC chợ.
Trần Dũng