Từ khi đi vào hoạt động đến nay đã nhiều năm, Trung tâm một cửa liên thông của thành phố Ninh Bình đã đón hàng trăm nghìn lượt tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Nhu cầu của người dân thành phố đa dạng: tư pháp, hộ tịch, đất đai, môi trường... Những lúc cao điểm, số lượng người dân đến giao dịch đông đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tại đây phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để đón tiếp, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Đồng chí Hoàng Ngọc Khuyến, Phó Chánh Văn phòng UBND, HĐND thành phố Ninh Bình cho biết: Do đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với nhân dân nên đội ngũ cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm đều được lựa chọn kỹ, đáp ứng về phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc cho đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Do thường xuyên phải tiếp xúc, giải quyết các nhu cầu của người dân nên cán bộ, công chức tại Trung tâm phải nắm vững các quy định, thủ tục của từng lĩnh vực mình phụ trách để kịp thời trả lời, giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn cho người dân hiểu rõ và chấp hành tốt các quy định. Bên cạnh đó, phải thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung, hệ thống hóa các văn bản, chính sách thuộc lĩnh vực theo thẩm quyền để giải quyết thủ tục hành chính nhanh, chính xác, công khai, minh bạch.
Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, Trung tâm một cửa liên thông đã xây dựng quy tắc ứng xử bám sát yêu cầu nhiệm vụ tại đây. Căn cứ vào các quy định cụ thể của quy tắc ứng xử, mỗi cán bộ, công chức sẽ tự rèn luyện bản thân cả về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nêu cao văn hóa ứng xử, trách nhiệm khi tiếp dân... trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Quy tắc ứng xử đã giúp mỗi cán bộ, công chức hoàn thiện bản thân hơn và là cơ sở để đơn vị đánh giá, xếp loại thi đua hàng tháng, hàng năm đối với mỗi cán bộ, công chức.
Tại thành phố Ninh Bình, để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong môi trường hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, thành phốđã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Trong đó, Quy tắc ứng xử quy định chi tiết từ vấn đề tinh thần, thái độ khi giao tiếp đến những việc cán bộ, công chức, viên chức được làm, không được làm… Quy tắc ứng xử đã cụ thể hóa những điều để mỗi cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ và thực hiện cho tốt khi thi hành công vụ như vấn đề giao tiếp, trang phục nơi công sở, thời gian làm việc...
Gắn với việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thành phố Ninh Bình đã đẩy mạnh việc "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Tại các cơ quan, đơn vị, việc học tập và làm theo Bác đã bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, vị trí công tác. Các cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố đều có sự nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, kết quả hoàn thành các hồ sơ, báo cáo, văn bản luôn đảm bảo tiến độ, thời gian, hạn chế các sai sót. Số hồ sơ về thủ tục hành chính từ thành phố đến các xã, phường đều được giải quyết đúng hạn, tỷ lệ đạt trên 99%. Các ý kiến, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đều được các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết kịp thời, ngay tại nơi phát sinh, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Thực hiện quy tắc ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức thành phố, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới, lấy ý kiến góp ý của tập thể… Với sự gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu mà tại các cơ quan, đơn vị có sự chuyển biến tích cực về văn hóa công sở. Thành phố Ninh Bình luôn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh về chỉ số mức độ hài lòng của người dân.
Bùi Diệu