Năm 2014 thành phố Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh; được phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tạo tiền đề quan trọng và động lực để xây dựng và phát triển thành phố. Trong những năm qua, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị của thành phố đã quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Qua đó góp phần làm cho diện mạo, cảnh quan đô thị thành phố có sự chuyển biến tích cực.
Thành phố đã chỉ đạo việc thực hiện các dự án đầu tư với 147 công trình, dự án được triển khai. Trong đó, xác định 22 công trình trọng điểm về hạ tầng đô thị, tạo điểm nhấn về cảnh quan đô thị như: dự án cầu dân sinh qua sông Vân, lát vỉa hè, trồng cây xanh tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Hồng Phong, Lê Đại Hành..., cải tạo công viên Thúy Sơn, nút giao thông hồ Máy Xay... Các công trình kể trên được cải tạo, sửa chữa và đầu tư xây mới đã làm cho diện mạo, mỹ quan đô thị thành phố có nhiều đổi thay tích cực. Giao thông đi lại thuận tiện hơn, tình trạng ngập úng cơ bản được giải quyết, cây xanh đô thị được trồng ở các tuyến đường, hệ thống điện chiếu sáng được cải tạo, sửa chữa thường xuyên.
Bên cạnh đó, thành phố triển khai 31 công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và hỗ trợ xi măng cho 117 công trình với 2.338 tấn xi măng để thực hiện các hạng mục công trình phục vụ nâng cấp cơ sở hạ tầng 3 xã Ninh Tiến, Ninh Nhát, Ninh Phúc theo tiêu chí trở thành phường. Đến nay, tại 3 xã các tiêu chí cơ bản đảm bảo, đời sống sinh hoạt, kinh tế của nhân dân cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày một khang trang. Phong trào xã hội hóa huy động sự đóng góp của nhân dân cùng nguồn hỗ trợ xi măng của thành phố để đầu tư xây dựng nâng cấp đường giao thông, vỉa hè, hệ thống thoát nước, một số hạng mục công trình công cộng đã đạt hiệu quả cao, tạo sự lan tỏa cho nhân dân toàn thành phố.
Xuất phát từ tình hình thực tế cũng như yêu cầu phát triển đô thị của thành phố trong giai đoạn mới, tháng 5/2018 thành phố Ninh Bình đã tích cực, chủ động xây dựng Quy chế quản lý đô thị. Từ khi có quy chế, công tác quản lý đô thị có nhiều chuyển biến. Thành phố đã tổ chức ra quân thực hiện đợt cao điểm, thi tìm hiểu về quy chế, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, đoàn thể của thành phố trực tiếp xuống địa bàn các thôn, tổ dân phố vào sáng thứ 7 hàng tuần để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các xã, phường thực hiện công tác trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường.
Đến nay, việc thực hiện quy chế quản lý đô thị bước đầu đã đạt kết quả nhất định, góp phần làm cho hình ảnh đô thị sáng- xanh-sạch- đẹp hơn, ý thức của nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, thành phố đã ra quyết định công nhận 40 tuyến đường văn minh đô thị. Từ năm 2016 thành phố đã đầu tư nâng cấp, thay thế sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng tại nhiều tuyến đường. Đến nay 100% các tuyến đường chính có dân cư sinh sống và hầu hết các khu dân cư đã có điện chiếu sáng cơ bản, đảm bảo an ninh trật tự và sinh hoạt cho nhân dân. Về cấp nước sinh hoạt, có 96,2% hộ gia đình được sử dụng nước; toàn thành phố có 181 nhà văn hóa/183 thôn, phố; tỷ lệ thu gom rác thải rắn sinh hoạt tại khu vực các phường đạt 90%, tại khu vực các xã đạt khoảng 80%...
Thông qua việc thực hiện Chương trình công tác số 3 về đẩy mạnh công tác quản lý đô thị của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ qua đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đô thị. Đồng thời, qua việc đẩy mạnh công tác quản lý đô thị một cách toàn diện, sát sao đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân về công tác quản lý đô thị, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Các vi phạm về trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được phát hiện và xử lý kịp thời... đã đem lại cho thành phố Ninh Bình một diện mạo mới khang trang, hiện đại hơn.
Bùi Diệu