Bám sát đặc thù của các xã có diện tích đất nông nghiệp, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, thành phố đã mở rộng diện tích trồng hoa từ 5 ha lên trên 14 ha vào chính vụ để phục vụ nhu cầu hoa ngày tết cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, ngoài duy trì diện tích trồng hoa có giá trị cao như hoa lily, hoa lay ơn, các hộ trồng hoa đã chuyển dịch cơ cấu sang trồng đa dạng các chủng loại để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, qua đó góp phần đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn thành phố đã có 01 tổ dịch vụ thu mua hành hoa tại HTX nông nghiệp Yên Phúc xã Ninh Phúc. Tổ dịch vụ đã chủ động liên hệ với nhà máy chế biến và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trồng hành hoa tại địa phương. Nhờ ổn định được đầu ra của sản phẩm đã giúp người dân yên tâm mở rộng quy mô sản xuất, đến nay diện tích trồng hành hoa của thành phố thường xuyên duy trì từ 15 ha đến 20 ha.
Trong năm 2016, tổ dịch vụ đã thu mua được trên 900 tấn hành hoa, năm 2017 thu mua khoảng 600 tấn; qua hạch toán sơ bộ cho thấy trồng hành hoa cho nhu nhập ổn định và cao hơn các cây trồng màu khác, thu nhập bình quân từ trồng hành đạt khoảng 19,2 triệu đồng/sào/năm (tương đương trên 533 triệu đồng/ha/năm).
Đối với diện tích trồng lúa, thành phố khuyến khích các đơn vị sử dụng các giống lúa có chất lượng vào sản xuất để phục vụ nhu cầu của người dân thành thị, hiện nay diện tích lúa chất lượng cao trên địa bàn thành phố thường xuyên duy trì khoảng 70% diện tích gieo cấy. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tích cực đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp và kỹ thuật mới (phương pháp gieo thẳng) để giảm chi phí đầu vào, đến nay tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt trên 90%, khâu thu hoạch đạt trên 75%, gieo thẳng đạt 25-30%.
Đối với cây rau và hoa được thành phố xác định là cây trồng đem lại lợi thế so sánh so với các cây trồng khác và các địa phương khác trong tỉnh, năm 2017 thành phố đã xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa tại xã Ninh Phúc, phường Ninh Sơn. Qua năm đầu tiên triển khai, thành phố đã xây dựng được 4 mô hình trong đó có 1 mô hình rau và 3 mô hình hoa với tổng diện tích là 2.522 m2. Các mô hình được xây dựng là mô hình mẫu để các hộ dân trong khu vực nghiên cứu, học tập, áp dụng vào thực tế sản xuất của hộ gia đình mình.
Để thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà chủ lực là lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng kỹ thuật, cải tiến biện pháp canh tác và đưa cây trồng mới vào sản xuất được thành phố quan tâm chỉ đạo, bước đầu một số kỹ thuật đã cho thấy hiệu quả và được ứng dụng mở rộng như: phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên, phục tráng giống nếp hạt cau tại HTX Ninh Nhất với diện tích 10ha, trồng cây dược liệu gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tại xã Ninh Tiến, phường Ninh Sơn, mô hình trồng và chăm sóc cây quất cảnh, quất thế, các loại hoa đô thị, hoa hồng tại phường Ninh Sơn, xã Ninh Phúc...
Đồng thời, thành phố quan tâm sát sao việc thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Trung ương và của tỉnh như: chính sách miễn giảm thủy lợi phí, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến... Ngoài ra, thành phố Ninh Bình đã xây dựng riêng cho mình chính sách hỗ trợ phát triển rau, hoa ứng dụng công nghệ tại xã Ninh Phúc, phường Ninh Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã tạo động lực cho nông nghiệp thành phố phát triển, bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan.
Thành phố cũng quan tâm đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ. Hiện nay thành phố có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp với 8.051 thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTX là 312,5 triệu đồng/năm. Các khâu dịch vụ HTX nông nghiệp cung cấp cho các hộ đều kịp thời, có chất lượng, giá cả hợp lý, đã trực tiếp giúp đỡ tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo được năng lực sản xuất kinh doanh. Các HTX ngành hàng, tổ hợp tác, tổ dịch vụ được thành lập bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các thành viên và người sản xuất tại địa phương như: HTX hoa Ninh Phúc, tổ dịch vụ thu mua hành hoa tại xã Ninh Phúc…
Từ hiệu quả bước đầu của việc tái cơ cấu nông nghiệp, trong thời gian tới, thành phố Ninh Bình, Ban chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường, các HTX nông nghiệp thực hiện các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất. Trong đó tập trung: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác thực hiện tái cơ cấu trên địa bàn; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Tăng cường liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản phẩm; Định hướng cụ thể để phát triển đối với từng lĩnh vực sản xuất; Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa, đào tạo nghề…
Bài, ảnh: Lý Nhân