Ở nước ta, từ lâu việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, khắp nơi lại sôi nổi ra quân mở hội trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ để “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Đối với tỉnh Ninh Bình, từ nhiều năm nay, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, ngày 24/5/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 70/KH-UBND về trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh trồng được 5,5 triệu cây xanh phân tán...
Kết quả đến nay, các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh đã trồng được 4,1 triệu cây xanh các loại, đạt gần 75% chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, tại một số khu vực đã hình thành vùng trồng cây theo chủ đề, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, được Nhân dân hưởng ứng thực hiện có hiệu quả.
Dễ nhận thấy nhất là tuyến đường Tràng An -Bái Đính chủ yếu là trồng cây bồ đề tạo không gian xanh mát, hòa quyện với màu xanh núi non và cảnh sắc mây trời lung linh, trở thành một trong những điểm chụp ảnh kỷ niệm làm say lòng du khách khi đến du lịch Ninh Bình.
Ngoài ra, còn có một số đơn vị, địa phương quan tâm đến việc trồng cây, hình thành các khu vực cây ăn quả, cây xanh lấy gỗ và bóng mát, cây hoa các loại mang phong cách, đặc trưng riêng của từng nơi....
Tuy nhiên, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều điều cần phải bàn để làm cho tốt hơn.
Đối với đô thị, tỷ lệ và diện tích cây xanh trong các thành phố, thị trấn còn ở mức thấp. Các loại cây hoa, cây tạo cảnh, tạo thế chưa đẹp và dường như ít được chăm sóc, cắt tỉa.
Các tuyến đường phố có nhiều loại cây, trước nhà ai thích cây gì, trồng cây đó mà thiếu sự quản lý, quy hoạch thống nhất của chính quyền.
Những khu đất đã và đang phân lô, phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất để trở thành khu dân cư của các đô thị mở rộng không quy hoạch khu vực trồng cây xanh, nên tỷ lệ và diện tích cây xanh trong các khu đô thị mới sẽ tiếp tục ở mức thấp, không khắc phục được hạn chế của các khu dân cư trước đây.
Đối với nông thôn, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh cũng chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn nhiều nơi có tình trạng “mạnh ai nấy trồng” hoặc thích cây gì, trồng cây đó. Do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo nên chưa lựa chọn được các loại cây bản địa phù hợp, tạo ra nét đặc sắc riêng có của từng địa phương. Đối với việc trồng rừng, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao...
Công tác chăm sóc, bảo vệ cây xanh chưa được quan tâm thường xuyên và gắn với trách nhiệm quản lý cụ thể. Dư luận đặt câu hỏi, mỗi năm tỉnh ta trồng hàng mấy trăm nghìn cây phân tán các loại và mấy trăm ha rừng sản xuất? khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ nhiều ha rừng?
Qua các năm cộng lại sẽ thành con số rất lớn, nhưng nay đâu?... Nếu công tác chăm sóc và bảo vệ cây xanh và rừng tốt thì bây giờ có thể Ninh Bình đã xanh kín mặt đất. Các thế hệ sau sẽ không phải vất vả trồng thêm mà chỉ cần tiếp tục chăm sóc, bảo vệ và hưởng thụ “quả ngọt”. Rất tiếc là điều đó chưa đến.
Vì vậy mà ngay từ bây giờ, mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân cũng cần phải nâng cao nhận thức về trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, làm sao cho thực chất, hiệu quả. Có trồng cây mà không chăm sóc, bảo vệ cây hoặc là để cây chết, hoặc là cây cằn cỗi thì cũng bằng không. Cơ quan, địa phương, đơn vị cũng nên làm cho “hiệu quả, thực chất”, đừng để đến thời điểm Tết trồng cây là ra quân sôi nổi, rầm rộ, báo cáo kết quả rất tốt, số lượng cây trồng được nhiều, nhưng người dân lại bảo: “Mười cây chết chín, một cây gật gù”.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo bước đột phá trồng cây xanh tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh; tiếp tục xây dựng, phát triển bản sắc đặc trưng vùng sinh thái Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội xanh bền vững, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng là Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, ngày 10/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về tăng cường công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phổ biến tới chi bộ cho tất cả cán bộ, đảng viên và yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công về trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều nơi đã đến mức báo động. Trái đất đang nóng lên. Thiên tai, bão, lụt, sạt lở đất... ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc của nước ta thời gian qua diễn ra với mức độ tàn phá khủng khiếp. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng là do việc khai thác, chặt phá rừng, đốn hạ cây cối bừa bãi...
Vì vậy, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh là giải pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế thiên tai. Hy vọng sau khi có Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phong trào trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trên địa bàn tỉnh ta sẽ tạo được những bước đột phá mới cả về số lượng và chất lượng, với hiệu quả thực chất hơn.