Khuya 27/11, khép lại 2 ngày của chương trình Hội quán Dục Thúy Sơn nhưng với những người trong cuộc, dư âm của chương trình chưa phải đã hết. Chương trình Hội quán Dục Thúy Sơn đã vượt ra ngoài khuôn khổ một sự kiện văn hóa thông thường để trở thành một "thi đường", “yến tiệc" của thi ca.
Đến với Hội quán Dục Thúy Sơn, khán giả và người yêu thơ được đắm mình vào không gian ngâm thơ, thưởng trà. Không gian của Hội quán được bài trí tinh tế, nghệ thuật sắp đặt mang tính chất cổ truyền. Không chỉ có thơ, Hội quán Dục Thúy Sơn còn nhiều hoạt động như: hòa tấu nhạc dân tộc, biểu diễn hát Chèo, hát Xẩm, hát Văn, biểu diễn nghệ thuật pha trà và nghe nghệ nhân trà chia sẻ về Trà đạo… Tuy nhiên, phải khẳng định rằng chính thơ mới là điểm nhấn, mới là linh hồn làm nên sức hút của Hội quán Dục Thúy Sơn. Chính thơ khơi nguồn cảm hứng làm nên vẻ kiều mỵ, liêu trai của Hội quán Dục Thúy Sơn. Thơ dẫn mối tương liên giữa quá khứ và hiện tại. Cộng thêm sự hiện diện của nhà thơ Vi Thùy Linh với những thi phẩm như “có lửa ngôn từ” của mình góp phần làm tăng “sức nóng” của thi đàn ngay dưới chân Nghinh Phong Các.
Tỉnh Ninh Bình đã từng tổ chức nhiều đêm thơ, nhiều ngày hội thơ, tuy nhiên phải đến chương trình Hội quán Dục Thúy Sơn, người yêu nghệ thuật mới cảm nhận rõ vi diệu của nghệ thuật thơ, mới thấy thật sự ấn tượng về sự độc đáo, sang trọng, chiều sâu từ các giá trị văn hóa.
Núi Non Nước là một thắng tích, một “bảo tàng thơ” giữa thiên nhiên có một không hai trên dải dất hình chữ S. Việc tổ chức sự kiện Hội quán Dục Thúy Sơn với không gian mở trưng bày nhiều tác phẩm cổ thi, kết hợp trình diễn thơ đương đại, giao lưu trò chuyện về thơ như sự kết nối mạch nguồn thi ca từ quá khứ tới hiện tại, cho người yêu thơ, yêu văn hóa nhìn sâu hơn vào quá khứ, cảm nhận sâu hơn giá trị của những tầng vỉa văn hóa truyền thống, để lớp người đi sau thêm tự hào về di sản văn thơ mà lớp người xưa truyền lại. Hội quán Dục Thuý Sơn càng thêm ý nghĩa khi được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 750 năm ngày sinh của thi nhân Trương Hán Siêu - người đã để lại cho ngọn núi thơ này tên gọi “Dục Thúy Sơn”.
Để có được một Hội quán Dục Thúy Sơn không thể không kể đến ý tưởng sáng tạo từ Ban tổ chức, sự đầu tư công phu, tỉ mỉ của ê kíp đạo diễn chương trình để có một Hội quán Dục Thúy Sơn được ví như một “yến tiệc" thi ca, một “thi đường” lộng lẫy tại công viên Núi Thúy (thành phố Ninh Bình).
Nhà thơ Vi Thùy Linh đọc thơ và giao lưu cùng công chúng. Ảnh Ngọc Linh
Nhà thơ Vi Thùy Linh, người tham gia trình diễn thơ trong 2 đêm của Hội quán Dục Thúy Sơn đã nhận xét: “Hội quán Dục Thúy Sơn do tỉnh Ninh Bình tổ chức, theo quan sát của tôi là một thi đường đầu tiên của nền thơ đương đại. Tại sao tôi gọi là thi đường? Vì trong cảm giác có rất nhiều kỳ thơ cho những nhà thơ, sân thơ cho người cao tuổi tại Thái Miếu, sân thơ trẻ tại Thái Học ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, 2 năm nay chuyển sang Hoàng Thành Thăng Long, nhưng để tạo một ra một thi đường tôn vinh các bậc tiền nhân bên một di tích quốc gia đặc biệt và làm được như tỉnh Ninh Bình, tổ chức hai đêm liền, coi sự kiện này như một điểm nhấn của “dòng chảy di sản”, trong tâm thế coi thơ ca là một thứ “di sản sống động” chứ không phải “di sản quá vãng” thì đó là một sự đề cao. Qua sự kiện này, tôi đánh giá cao tầm nhìn của các lãnh đạo Ninh Bình, trong đó có đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Festilval Ninh Bình lần thứ III - người mà tôi có dịp được tiếp xúc.
Nếu có điều gì muốn tôi góp ý thì tôi mong ở kỳ tổ chức lần sau, nên tăng thêm tính tương tác giữa nhà thơ và khán giả, ở đây, qua 2 đêm trình diễn, giao lưu thơ, tôi cảm nhận, có vẻ khán giả tiếp nhận một cách hơi thụ động. Có thể do khán giả Ninh Bình chưa quen với các sinh hoạt dạng này, hay chưa quen nhịp độ làm việc ban đêm, trong khi ở các thành phố lớn, các nơi du lịch phát triển, nhất là thủ đô đó lại là một điều bình thường.
Tôi cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều sinh hoạt văn hóa như thế này được tổ chức để vừa khai thác vừa tôn vinh di sản, vừa thúc đẩy sức sống cũng như tinh thần sáng tác văn chương ở địa phương. Tôi nghĩ, trong du lịch đã có các loại hình du lịch ẩm thực, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh… tại sao không có du lịch thi ca?
Tôi hy vọng Ninh Bình sẽ có du lịch thi ca và cần quan tâm khai thác mảng du lịch thi ca để vừa tôn vinh di sản đặc biệt quý giá - “ngọn núi thơ”, vừa phát huy hiệu quả giá trị của di sản, phát triển kinh tế du lịch.