Làng Duyên Phúc, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh từ lâu đã nổi tiếng với lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội này diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm tại chùa Duyên Phúc.
Lễ hội làng Duyên Phúc chứa đựng những câu chuyện lịch sử và ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Theo người dân địa phương, lễ hội có lịch sử hình thành từ xa xưa, gắn liền với công lao của các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn đất đai, xây dựng và bảo vệ làng. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, lễ hội vẫn được gìn giữ và phát triển, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Duyên Phúc.
Anh Nguyễn Văn Công, thôn Duyên Phúc, xã Khánh Hồng chia sẻ: “Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của ngài Triệu Việt Vương là một trong những thủ lĩnh khởi nghĩa nổi tiếng thời Bắc thuộc ở Việt Nam. Ngài có công dẹp giặc cứu nước đem lại sự an bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tưởng nhớ công ơn của ngài, nhân dân làng Duyên Phúc cũng lập đền thờ, cùng các nhân vật làng đang phụng thờ với tư cách như thành hoàng làng để che chở, bảo hộ cho dân làng có cuộc sống bình an, no ấm hạnh phúc”.
Hàng năm, lễ hội làng Duyên Phúc được tổ chức và diễn ra khá quy mô từ ngày 1 đến hết ngày 3 tháng 3 âm lịch. Các đền, phủ, miếu đều chuẩn bị sửa soạn, đèn, hương, rước kiệu, đoàn rước về tập trung về trước sân nhà phủ mẫu để tổ chức lễ hội.
Điểm đặc sắc nhất của Lễ hội làng Duyên Phúc chính là các nghi lễ truyền thống được thực hiện một cách trang trọng và tỉ mỉ. Một trong những nghi lễ quan trọng nhất là lễ rước kiệu, với sự tham gia của đông đảo người dân trong trang phục truyền thống. Kiệu được chạm khắc tinh xảo, mang theo bài vị của các vị thần, được rước từ đình làng qua các ngả đường chính, thu hút sự chú ý và thành kính của nhân dân.
Lễ hoa đăng thu hút đông đảo người dân, du khách.
Theo cụ Vũ Thị Khuyết, người cao niên làng Duyên Phúc cho biết: “Lễ hội làng Duyên Phúc chúng tôi được bảo tồn là bởi nó được hun đúc từ các giá trị tinh thần từ hàng trăm năm nay. Lễ hội được tổ chức là thể hiện tinh thần hướng về cội nguồn “Uống nước nhớ nguồn" tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công khai hoang, lập ấp khai sinh ra làng. Từ các giá trị nhân văn cao cả ấy mà mỗi dịp lễ hội, mọi người dân trong làng dù bất cứ nơi đâu đều hướng về quê hương, hướng về lễ hội với lòng thành kính đặc biệt”.
Tiếp theo là lễ tế tại đình, nơi các bậc cao niên trong làng dâng hương, cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều hoạt động tín ngưỡng khác như dâng lễ vật, cầu an, thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần và tổ tiên. Mỗi nghi lễ đều mang một ý nghĩa riêng, góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa đa màu sắc và đậm đà bản sắc của làng Duyên Phúc.
Tận mắt chứng kiến những lễ nghi truyền thống của hội làng, Ngọc Mai (25 tuổi) không giấu nổi niềm tự hào về văn hóa truyền thống quê hương mình: “Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, những lớp trầm tích văn hóa đã lắng đọng ở con người, cộng đồng làng Duyên Phúc. Vì thế, việc giữ gìn phong tục cổ truyền, các lệ gạch, các nghi lễ đặc biệt là điều cần thiết nhằm phát huy các giá trị đích thực của mỗi lễ hội và sự hấp dẫn của các lễ hội truyền thống”.
Không khí lễ hội rộn ràng, náo nhiệt với những hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc như hát chèo, múa lân, các trò chơi dân gian truyền thống. Những hoạt động này không chỉ mang lại tiếng cười, niềm vui mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu thêm về những giá trị văn hóa của quê hương.
Lễ hội làng Duyên Phúc không chỉ là niềm tự hào của người dân Duyên Phúc mà còn là một điểm sáng văn hóa của tỉnh Ninh Bình. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống như lễ hội làng Duyên Phúc càng trở nên quan trọng. Đây không chỉ là cách để tưởng nhớ cội nguồn, bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh của vùng đất Ninh Bình giàu truyền thống đến với du khách thập phương.