Bản sắc văn hóa được tôn vinh
Lễ hội Hoa Lư năm 2025 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 9-11/3 âm lịch. Trong những ngày diễn ra Lễ hội, ước tính có hàng nghìn người dân, du khách thập phương cùng hội tụ về miền di sản để được đắm chìm trong không gian lễ hội linh thiêng. Người về trẩy hội được tham gia nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc.
Trong đó, phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi lễ truyền thống, tôn vinh, tri ân công đức các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; thể hiện ước nguyện của Nhân dân cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi… thông qua các nghi thức: Lễ mở cửa đền, dâng hương, rước nước, rước kiệu, cầu siêu và các lễ hội hoa đăng, lễ tạ…
Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian như: Trưng bày, triển lãm, chọi gà, cờ người, biểu diễn trống hội, cồng chiêng; các giải thể thao, giải vật dân tộc…
Các hoạt động này đã góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch, văn hóa, thu hút du khách trong và ngoài nước về với Ninh Bình.
Đặc biệt, để tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, phát huy tốt hơn nữa giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, năm nay lễ hội có nhiều nét mới như tổ chức Hội thảo khoa học, triển lãm “Trang phục và cổ phục thời Đinh”, liên hoan các đội tuyên truyền, quảng bá du lịch....
Bà Trần Thị Đạt (thôn Yên Trạch, xã Trường Yên) chia sẻ: Xưa kia, Lễ hội Hoa Lư có tên là hội Trường Yên chỉ được tổ chức với quy mô cấp làng, cấp xã, song với những người dân Trường Yên và các vùng lân cận thì đó là một hoạt động tâm linh được chờ đợi nhất trong năm. Việc nhà nông bận rộn, nhưng khi làng mở hội thì ai cũng lựa những bộ quần áo đẹp nhất để dự hội. Các gia đình tự tay chuẩn bị những lễ phẩm để dâng Vua, thành tâm tri ân công đức của các bậc tiên đế, tiền nhân và nguyện cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa.
Ngày nay, đời sống của bà con đã khá lên nhiều. Quy mô lễ hội đã ở cấp tỉnh, với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, việc tổ chức lễ hội được chuẩn bị công phu, trang trọng… song những phong tục truyền thống ấy vẫn được gìn giữ như một báu vật. Mỗi người dân Trường Yên đều có ý thức gìn giữ hình ảnh thanh lịch của người Cố đô thông qua những việc làm, lời nói, công việc của mình. Lễ hội Hoa Lư còn là dịp để du khách thập phương hành hương về với nguồn cội.
Ông Phạm Văn Định (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) tâm sự rằng, trong 5 năm trở lại đây, cứ đến tháng Ba, Hoa Lư mở hội thì ông và những người bạn trong CLB Hán Nôm ở địa phương đều thu xếp công việc để hành hương về Hoa Lư dự hội. Mỗi lần trở lại Hoa Lư, thấy rõ sự thay đổi về cảnh sắc, về đời sống Nhân dân, về cách thức tổ chức lễ hội.
Lễ hội Hoa Lư được tỉnh Ninh Bình tổ chức với quy mô lớn, trang trọng, xứng tầm với vị thế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội cũng có sự đổi mới dựa trên nền tảng của nét văn hóa lễ hội dân gian, tạo điều kiện, thu hút, phát huy vai trò của Nhân dân, để người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động của Lễ hội nhiều hơn. Có lẽ, đó là những giá trị tạo nên bản sắc riêng có và sức hấp dẫn đặc biệt của Lễ hội Hoa Lư- lễ hội có niên đại lịch sử lâu đời của Việt Nam.
Theo sử sách ghi lại, Lễ hội Hoa Lư được hình thành sau khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Hàng năm, đến ngày diễn ra lễ hội, các triều đình đều cử các quan đại thần về Cố đô Hoa Lư tham dự và làm chủ tế. Lễ hội đã trở thành một nhu cầu chính đáng của Nhân dân, là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc. Từ năm 2014, Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hào khí Hoa Lư-động lực cho sự phát triển
Tầm vóc lịch sử vĩ đại, khát vọng độc lập, thống nhất, xây dựng quốc gia hùng cường của Đinh Tiên Hoàng Đế gắn với quốc hiệu Đại Cồ Việt, với vai trò, vị thế của Kinh đô Hoa Lư đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc ta, Nhân dân ta. Linh khí chốn kinh kỳ, công đức dựng nước, giữ nước, chăm lo cho muôn dân của bậc quân vương huyền thoại vẫn còn in dấu đậm nét trong suốt hành trình lịch sử, trong tâm thức Nhân dân với tấm lòng tri ân sâu nặng.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, cho đến ngày nay, Lễ hội Hoa Lư-tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vẫn là hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo, đặc sắc riêng có của người dân Cố đô Ninh Bình.
Những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn coi trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Lễ hội Hoa Lư như gìn giữ hồn cốt linh thiêng của Cố đô ngàn năm, để sự nghiệp vĩ đại của đức Đinh Tiên Hoàng Đế luôn sống mãi với thời gian và non sông đất Việt.
Lễ hội trở thành nơi tìm về của Nhân dân và du khách trong nước, quốc tế, là nơi tỏ bày lòng tôn kính với các bậc tiên đế, các anh hùng hào kiệt đã có công dựng nước, giữ nước. Những giá trị đặc sắc, tiềm năng, thế mạnh về văn hóa-lịch sử-cảnh quan thiên nhiên đó còn được Ninh Bình bảo tồn, phát huy phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh một cách hài hòa, bền vững.
Hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm về du lịch, công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản, tổ chức sự kiện của vùng, quốc gia và quốc tế, xứng với bề dày lịch sử của vùng đất kinh đô xưa- Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt oai hùng.
Cùng với đó, bằng những giải pháp khoa học và công nghệ hiện đại, tỉnh đang cùng các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, từng bước phục hồi, phục dựng hình ảnh của không gian văn hóa kinh kỳ xưa. Đây chính là nguồn lực nội sinh, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững, toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đặc biệt, niềm tự hào về kinh đô Hoa Lư xưa; lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với các anh hùng dân tộc còn được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh hun đúc trở thành tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong tỉnh đang ra sức thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, vừa thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị tinh-gọn-mạnh-hiệu nănghiệu lực-hiệu quả chuẩn bị, kiến tạo cho không gian phát triển mới.
Nhiệm vụ khó khăn, nhiều thách thức, nhưng tin tưởng rằng, truyền thống văn hóa, hào khí Hoa Lư tiếp tục là nền tảng vững chắc để tỉnh ta tăng tốc, bứt phá, khẳng định vai trò, vị thế xứng tầm là Đô thị di sản thiên niên kỷ, sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.