Chuyện kể từ ngàn năm
Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc “Vàng son một thuở Cố đô” được chia thành 5 chương: Nhất thống, Khải hoàn, Hưng thịnh, Mở cõi và Hội tụ với sự tham gia biểu diễn của hơn 800 diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp, quần chúng… đã đưa khán giả ngược dòng thời gian, trở về quá khứ để hòa mình vào dòng chảy lịch sử Việt Nam. Người xem như được tận mắt chứng kiến các vị đế vương thực hiện cuộc dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long, mở cõi từ Thăng Long đến Huế. Cứ thế, dòng chảy lịch sử đi qua câu chuyện về 3 kinh đô lớn, vàng son nhất trong lịch sử Việt Nam qua những màn tái hiện, lát cắt tiêu biểu nhất của lịch sử.
Trong thời lượng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, Chương trình nghệ thuật “Vàng son một thuở cố đô” đã rất thành công trong việc giúp người xem hình dung rõ ràng, mạch lạc, sống động về các triều đại của đất nước; vai trò, sứ mệnh của kinh thành Hoa Lư, Huế và Thăng Long. “Vàng son một thuở Cố đô” như bộ phim “dã sử cổ trang”, tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng, giải mã những câu chuyện ẩn sâu dưới lớp trầm tích lịch sử rực rỡ của cố đô Hoa Lư xưa. Khi thì tráng lệ, huy hoàng với thành quách nguy nga, khi thì xúc động với trăn trở, sự giằng xé nội tâm của các nhân vật lịch sử…
Những lát cắt lịch sử được tái hiện sống động, chân thực, khắc họa đậm nét, đưa khán giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác nhờ vào công nghệ sân khấu hiện đại bậc nhất hiện nay. Lần đầu tiên, ở một sự kiện nghệ thuật lễ hội, khán giả được thấy toàn bộ bối cảnh, không gian sân khấu không ngừng chuyển động từ đầu tới cuối, nhịp nhàng, sống động, đẹp mắt. Sự nghiên cứu tỉ mỉ, sáng tạo của ê kíp đã mang đến những màn biến đổi của ba kinh thành vô cùng ấn tượng được thể hiện ngay trên sân khấu, phô diễn được sự sắc nét, độc đáo riêng có của từng kinh thành. Những đại cảnh, những màn dựng lũy xây thành, tập trận hào hùng, khí thế… đã đẩy cảm xúc của người xem lên cao trào.
Ông Đình Vượng, 70 tuổi ở thành phố Ninh Bình cho biết lần đầu được xem một chương trình nghệ thuật với sự đầu tư hoành tráng về công nghệ sân khấu, sâu sắc, ý nghĩa về nội dung. Khi xem phân cảnh dựng đô thuở xưa, giữa núi non trùng điệp, người dân từng bước chuyền tay nhau những khối gạch, tái hiện cảnh xây đoạn tường thành; cảnh kinh thành Hoa Lư hoàn thành từng bước, sừng sững hiển hiện nguy nga rất sống động với công nghệ 3D mapping… những hình ảnh hào hùng ấy đã chạm tới tận cùng của cảm xúc. “Trong tất cả các phân cảnh, tái hiện những lát cắt tiêu biểu của lịch sử, tôi đặc biệt yêu thích câu chuyện kể về Thái hậu Dương Vân Nga. Tôi cảm nhận được sự giằng xé nội tâm, cho thấy nỗi lòng ngổn ngang của bà trước thân phận mình và vận mệnh đất nước để đưa ra một quyết định mang tính đại nghiệp bấy giờ”- ông Vượng xúc động chia sẻ.
Theo chia sẻ của Tổng đạo diễn và kịch bản Lê Hải Yến, để viết nên phân cảnh này, ngoài đọc sách sử, tham khảo ý kiến chuyên gia, chị đã đến những nơi thờ tự Thái hậu Dương Vân Nga để tìm hiểu. Ngoài kiến thức, chị còn mạnh dạn đặt mình vào vai người phụ nữ đặc biệt đó để hiểu những uẩn khúc, những nỗi niềm của bà. “Phải là người phụ nữ nghị lực, bản lĩnh hơn người mới có thể đưa ra những quyết định liên quan đến vận mệnh của giang san. Có lẽ, đó là quyết định mang nhiều hi sinh và nỗi đau đớn trong lòng mà bà phải chịu. Tôi mong muốn góp một câu chuyện kể, để khán giả, nhất là khán giả trẻ hiểu được hoàn cảnh, thấu hiểu và tri ân bà”- chị Lê Hải Yến bày tỏ.
Đại tiệc văn hóa-nơi gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại
Nối tiếp hai kỳ Festival thành công trước, Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 với chủ đề “Dòng chảy di sản” tiếp tục mang đến một cách nhìn, cách tiếp cận mới về lịch sử thông qua ngôn ngữ của thơ văn, âm nhạc và công nghệ, tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa, di sản, vùng miền xuyên suốt chiều dài của lịch sử thông qua sự hình thành và phát triển của 3 kinh đô xưa và nay.
Đó là đêm trình diễn thời trang “Ninh Bình áo dài trên con đường di sản” kết hợp sinh động giữa các nghề thủ công truyền thống với trình diễn thời trang để vinh danh các làng nghề, các nghệ nhân nghề truyền thống. Đó là không gian triển lãm thơ đương đại ngoài trời kết hợp với trải nghiệm thưởng trà, diễn thơ, nhìn sông, ngắm núi và nghe nhạc cổ truyền có sự tương tác với khán giả tại Hội quán Dục Thúy Sơn. Đó là Lễ hội đường phố ngập tràn sắc màu dân gian với các nghề thủ công truyền thống, chợ xưa nếp cũ, cổ phục-cổ trang, nghệ thuật đường phố, người dân và du khách được trở về với ký ức lịch sử cùng cuộc thi hóa trang thành nhân vật lịch sử “Vàng son một thuở” đầy mới lạ và hấp dẫn…
Đặc biệt là đêm đại nhạc hội âm nhạc dân gian điện tử “Í A FEST” trong đêm bế mạc. Đêm nhạc trở thành nơi truyền thống gặp gỡ với hiện đại, nơi quá khứ đối thoại cùng tương lai, nơi bảo tồn đối thoại cùng phát huy, nơi phương Đông giao hòa cùng phương Tây diễn ra trong không gian huyền ảo của Khu du lịch sinh thái Thung Nham. Các bộ môn nghệ thuật giao thoa với nhau để cùng tạo nên một bữa tiệc âm nhạc độc đáo. “Í A FEST” trở thành điểm kết thể hiện sự “vươn tầm” của chuỗi lễ hội, thể hiện sự giao thoa, hội nhập, tiếp biến và trao truyền các loại hình nghệ thuật đã trở thành di sản để lan tỏa đến sâu rộng trong công chúng.
Đồng hành cùng Festival Ninh Bình trong suốt 3 mùa tổ chức, NSƯT Như Huỳnh chia sẻ: Tôi có dịp đồng hành với Festival Ninh Bình ở cả 3 mùa. Mỗi lần về với Ninh Bình, tôi như một người con được về với quê hương, nguồn cội của mình. Mỗi mùa Festival là một lần mới mẻ, hoành tráng cả về công nghệ sân khấu và kịch bản. Tôi tin rằng, với sự liên tục làm mới của Ninh Bình trong 3 mùa Festival, các nghệ sĩ được tham gia Festival đều có những cảm xúc biến chuyển liên tục theo dòng chảy của di sản.
Tôi mong rằng Festival của các miền di sản sẽ tiếp tục hội tụ ở Ninh Bình những năm sau, để người Ninh Bình hiểu hơn về văn hóa của nhiều vùng, miền khác trên quê hương mình. Sự yêu thương, trân trọng của người dân Ninh Bình sẽ là nguồn động lực lớn để chúng tôi tiếp tục sứ mệnh gìn giữ, lan tỏa di sản văn hóa.
Rapper Double 2T, người nổi tiếng với ca khúc À Lôi cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được hội tụ cùng với nhiều nghệ sĩ trẻ của các vùng, miền ở một sân khấu hoành tráng trên đất Cố đô, để trình diễn những tác phẩm đương đại mang chất liệu dân gian. Ninh Bình tuyệt đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, giàu có về lịch sử, di sản; con người thân thiện, dễ mến. Tôi sẽ rất hạnh phúc khi một ngày không xa có thể đưa bản sắc riêng có của Ninh Bình vào trong âm nhạc của mình. Tôi hi vọng những mùa lễ hội di sản năm sau, chúng ta sẽ lại được gặp nhau và cùng kể những câu chuyện về di sản bằng những đêm diễn độc đáo, ấn tượng như thế này”.
Hội tụ di sản-khẳng định giá trị thương hiệu của Ninh Bình
Ninh Bình là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, được thiên nhiên ưu đãi bởi cảnh quan tươi đẹp, đặc sắc, sở hữu các di tích, danh thắng với mức độ đậm đặc, nhất là Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới-Di sản hỗn hợp duy nhất ở Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại.
Phát biểu tại lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu của tỉnh Ninh Bình đạt được trong những năm qua. Đặc biệt, xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng hàng đầu, du lịch là thế mạnh nổi trội, Ninh Bình đã không ngừng nghiên cứu, nhận diện, làm rõ và thực hiện nhiều giải pháp nhằm tu bổ, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Ninh Bình cũng có nhiều đóng góp trong bức tranh đa sắc của văn hóa dân tộc, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá cao. Trong đó, với việc xây dựng thương hiệu và đổi mới cách thức tổ chức Festival qua từng năm nhằm lan tỏa những giá trị di sản, giá trị văn hóa truyền thống, làm cho di sản văn hóa thực sự là nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, là một trong những hoạt động nổi bật, có hiệu quả và giá trị thương hiệu cao của tỉnh Ninh Bình.
Tin rằng, với tinh thần đoàn kết, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của vùng đất Cố đô, Ninh Bình sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 khẳng định: Thành công rực rỡ của Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 thêm một lần nữa khẳng định năng lực và cam kết mạnh mẽ của tỉnh Ninh Bình trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa lớn tầm quốc gia và quốc tế. Hiện thực hóa chủ trương xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm tổ chức sự kiện, công nghiệp văn hóa; góp phần truyền tải những giá trị truyền thống, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc tới các thế hệ; đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của Nhân dân và du khách; góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác, phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.