Nằm nép mình bên dòng sông Đáy hiền hòa, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh từ lâu đã nổi tiếng với Lễ hội giã bánh giầy độc đáo.
Lễ hội này không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, lòng biết ơn và sự khéo léo của người dân...
Theo các cụ cao niên tại địa phương, Lễ hội giã bánh giầy đã có truyền thống vài trăm năm. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Lễ hội vẫn được người dân trong xã, đặc biệt là người dân xóm Bắc gìn giữ và phát huy, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Lễ hội thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với trời đất, tổ tiên đã ban cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người cùng nhau vui chơi, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Cụ Phạm Thị Trường, là cao niên ở xóm Bắc, xã Khánh Lợi chia sẻ: Tương truyền dưới thời vua Lê Thánh Tông (năm 1453), hai anh em Nguyễn Phục và Nguyễn Phố là tướng có tài thao lược, giỏi việc quân cơ, giúp vua đánh quân Chiêm Thành nhưng bị xử tội chết oan nên vua đã cho lập đền thờ hai ông tại vùng đất này. Trong đó đình Bắc đang thờ người em Nguyễn Phố (hay còn gọi là Lục Lộ Đại Vương Thượng đẳng thần).
Theo người dân, trước kia vùng đất này là biển cả mênh mông, từ khi hai ông khai dân lập ấp, trị vì vùng đất, nhân dân trồng dâu được dâu, cấy lúa được lúa. Tưởng nhớ công ơn to lớn của hai vị thần, hàng năm cứ vào ngày mùng 10/2 âm lịch, nhân dân trong xã, nhất là các xóm Bắc, Cống, Trung, Thượng đều mổ lợn, giã bánh giầy kính cáo tiên tổ và các vị Thành hoàng làng.
Điểm đặc biệt của Lễ hội giã bánh giầy ở Khánh Lợi chính là quy trình chế biến bánh giầy vô cùng công phu, tỉ mỉ. Gạo nếp cái hoa vàng được chọn lọc kỹ lưỡng, ngâm, đồ xôi rồi cho vào cối đá để giã nhuyễn. Tre phải chọn những cây không già, không non để giã. Ngay từ lúc trời còn tờ mờ sáng, những thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhất làng với đôi tay thoăn thoắt, nhịp nhàng đã tập trung giã bánh tạo nên âm thanh rộn rã, vang vọng. Những người phụ nữ thì chuẩn bị sẵn lá chuối, lá dong, khéo léo nặn thành hình tròn, dẹt. Bánh sau khi hoàn thành có màu trắng ngần, dẻo thơm, ăn kèm với giò lụa hoặc chả quế mang đến hương vị đậm đà, thơm ngon.
Lễ hội giã bánh giầy là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người dân địa phương.
Bà Phạm Thị Mong, ở xóm Bắc, xã Khánh Lợi cho biết: “Bánh giầy muốn có hình dáng tròn đều, mịn màng phải được “bắt” ngay khi còn đang nóng hổi. Ngoài loại bánh trắng truyền thống, người dân còn sáng tạo thêm loại bánh giầy đậu xanh, cứ một lớp bánh đan xen với một lớp đậu xanh tạo nên hương vị ngọt ngào, thơm ngon. Ngoài ra, trong Lễ hội sẽ có phần rước kiệu là nét văn hóa tâm linh lâu đời được gìn giữ đến ngày nay”.
Ông Phạm Văn Hoàn, Trưởng xóm Bắc cho hay: Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, người dân xóm Bắc luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội giã bánh giầy.
Hàng năm, các gia đình trong xóm đều tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để tổ chức Lễ hội một cách chu đáo và trang trọng. Các thế hệ trẻ cũng được khuyến khích tham gia vào các hoạt động của Lễ hội, từ việc giã bánh, nặn bánh đến việc biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống.
Nhờ những nỗ lực đó, Lễ hội giã bánh giầy ở xóm Bắc đã trở thành một điểm hẹn tâm linh, văn hóa của mỗi người con quê hương. Đến với Lễ hội, du khách và nhân dân không chỉ được thưởng thức những chiếc bánh giầy thơm ngon mà còn được hòa mình vào không khí tưng bừng, náo nhiệt và cảm nhận được nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Thanh Liễu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Lợi cho biết: Lễ hội giã bánh giầy trước kia được nhiều xóm trong xã duy trì. Tuy nhiên, đến nay Lễ hội đã phần nào bị mai một. Đây cũng là điều mà chúng tôi rất băn khoăn, đặc biệt trước sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa hiện đại. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền về giá trị văn hóa và nét đẹp của Lễ hội; đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành trong việc tái hiện và phát huy giá trị Lễ hội cũng như tu bổ các di tích lịch sử trên địa bàn xã.
Lễ hội giã bánh giầy ở Khánh Lợi là một nét văn hóa truyền thống quý báu cần được gìn giữ và phát huy. Đây không chỉ là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, lòng biết ơn và sự khéo léo của cư dân địa phương. Hi vọng rằng, với sự chung tay của địa phương, người dân và con em quê hương, Lễ hội này sẽ được khôi phục, từng bước phát triển, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của quê hương Yên Khánh.