Hạ tầng đi trước mở đường
Xác định việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, CCN là điều kiện tiên quyết nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương; thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách để tạo hành lang pháp lý như: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 về phát triển và quản lý KCN, CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Phương án phát triển CCN trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024; Quyết định số 416/QĐ-UBND ngày 24/3/2016 bổ sung các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN vào danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình…
Trên cơ sở đó, ngành Công Thương đã cùng với các cấp, các ngành trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng công nghiệp, giao thông, dịch vụ để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Khuyến công xúc tiến thương mại và Phát triển CCN trao đổi, nắm bắt tình hình đầu tư xây dựng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, nhà đầu tư thứ cấp trong các CCN trên địa bàn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời xem xét, giải quyết.
Quá trình thực hiện cho thấy, các chủ đầu tư hạ tầng có đủ năng lực để thực hiện đầu tư cũng như phương án kinh doanh hiệu quả. Nhiều CCN đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ thu hút các doanh nghiệp đầu tư như: CCN Khánh Thượng (Yên Mô); CCN Gia Vân, Gia Lập, Gia Phú (Gia Viễn); CCN Văn Phong (Nho Quan); CCN Cầu Yên (thành phố Ninh Bình)...
Là một trong những nhà đầu tư hạ tầng CCN của tỉnh, ông Đặng Đức Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú (huyện Gia Viễn) cho biết: Sau khi được tỉnh chấp thuận đầu tư hạ tầng các CCN Gia Vân, Gia Lập (Gia Viễn) và Văn Phong (Nho Quan), Công ty đã tiến hành song song 2 bước là xây dựng và thu hút đầu tư. Nền móng quan trọng để các CCN trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thứ cấp chính là cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ.
Đến nay, các CCN do Công ty đầu tư đã được hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, nhà máy xử lý nước thải tập trung của CCN, hồ sinh thái, nhà điều hành, cây xanh cách ly và đưa vào hoạt động. Đây là một trong những CCN kiểu mẫu mà tỉnh xây dựng nhằm triển khai, nhân rộng ra các địa phương. Trong quá trình thu hút đầu tư, CCN chú trọng thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo các yếu tố về môi trường, sử dụng ít quỹ đất, năng suất, hiệu quả, khả năng đóng góp ngân sách Nhà nước cao...
Cùng với đó, để tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư vào các CCN, những năm qua, tỉnh Ninh Bình cũng đặc biệt chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài CCN, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội như: Đường cao tốc phía Đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45; Dự án Cải tạo, nâng cấp đường ĐT 477 đoạn từ ngã ba Gián khẩu đến hết phạm vi khu 50 ha-KCN Gián Khẩu; một số tuyến thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT 482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B; Dự án xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây sông Vân; Tuyến đường T21; Dự án xây dựng tuyến đường ĐôngTây (giai đoạn 1)... Chính những yếu tố này đã tạo nên lợi thế cạnh tranh để Ninh Bình trở thành “bến đỗ” của các nhà đầu tư.
“Bến đỗ” của các nhà đầu tư
Theo đánh giá từ Sở Công Thương, các CCN trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá nhanh. Các CCN của Ninh Bình cũng đang tạo sức hút mạnh mẽ với các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giúp địa phương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu sản xuất tập trung (CCN đá mỹ nghệ Ninh Vân); phát triển nghề truyền thống (nghề cói ở CCN Đồng Hướng, nghề gỗ mỹ nghệ ở cụm làng nghề Ninh Phong)... Đặc biệt, các CCN do doanh nghiệp đầu tư hạ tầng như: Cầu Yên, Gia Phú, Gia Vân, Văn Phong, Gia Lập, Khánh Thượng... đã thu hút được nhiều dự án lớn đến nay đã đi vào hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chú trọng thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ cho các ngành ô tô, điện tử để qua đó góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị sản xuất nội địa và cân bằng cán cân thương mại.
Bà Moon Tae Hee, Phó Giám đốc Công ty TNHH Same Vina (CCN Cầu Yên, thành phố Ninh Bình) cho biết: Sau khi đi khảo sát ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy Ninh Bình có nhiều điều kiện để phát triển, đặc biệt là có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn có thể liên doanh, liên kết. Chúng tôi đã quyết định về đầu tư sản xuất, gia công cáp tín hiệu, các loại ăng ten, linh kiện, thiết bị ô tô ở CCN Cầu Yên. Chúng tôi đi vào sản xuất ổn định từ năm 2019 đến nay, Công ty rất yên tâm về môi trường đầu tư tại Ninh Bình.
Đại diện Công ty TNHH NEXPLUS VINA (CCN Gia Vân, Gia Viễn) cho biết: Công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm và đầu tư công nghệ để sản xuất. Đây là một xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp trong nước hòa mình vào với dòng chảy chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ninh Bình cũng là một trong những địa phương mà các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang hướng tới vì lợi thế của tỉnh là có Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Huyndai Thành Công.
Bên cạnh đó, Ninh Bình có các chính sách ưu đãi rất hợp lý với các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Như vậy, với sự phát triển của các CCN, toàn tỉnh đã có 13 CCN đi vào hoạt động, thu hút được 108 dự án thứ cấp và 256 đơn vị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Trong đó có 49 dự án FDI, nâng tổng số dự án FDI trên toàn tỉnh là 97 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.675,63 triệu USD, với các nhà đầu tư đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hàn Quốc là đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với 45 dự án và đứng thứ 2 về vốn đầu tư (đạt 450,18 triệu USD), chiếm 27% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh. Các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp đã đóng góp quan trọng hình thành nên ngành công nghiệp hỗ trợ trên đà phát triển mạnh ở các lĩnh vực: May mặc, các sản phẩm giày dép, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô…
Các CCN trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh về kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia tăng giá trị sản xuất, góp phần vào mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh, Ninh Bình cần có tư duy, tầm nhìn mới để quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển các CCN một cách đồng bộ, hiệu quả, hợp lý.