Ngược dòng lịch sử, năm 1959, Đoàn văn công Sông Vân được thành lập với nhiệm vụ chính là tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, chiến đấu của Đảng bộ và Nhân dân, các lực lượng vũ trang trong tỉnh. Với lực lượng nòng cốt ban đầu là những cán bộ làm công tác thông tin địch vận, có năng khiếu được “trưng dụng” từ các đơn vị trong tỉnh, các tác phẩm của Đoàn phần lớn là những hoạt cảnh có nội dung tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước… bước đầu đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, đồng thời góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, chiến đấu.
Ngay từ những năm đầu thành lập, Đoàn đã dàn dựng những vở diễn có nội dung gắn liền với lịch sử, truyền thống của quê hương, được Nhân dân đón nhận và gây ấn tượng tốt như: Nàng tiên bên núi Thúy, Lá cờ năm xưa, Vườn cam, Trần Quốc Toản, Thái hậu Dương Vân Nga… Lớp các nghệ sỹ đầu tiên của Đoàn văn công Sông Vân được khán giả nhớ và biết đến qua các vai diễn tiêu biểu như: Nghệ sỹ Xuân Cưu, Kim Liên, Hồng Nhạn, Đăng Thanh, Thúy Mùi, Minh Nguyệt, Lâm Bình, Xuân Chính… Đây cũng là thế hệ nghệ sỹ đã có những đóng góp tích cực trong việc tham gia biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ tại các mặt trận trên khắp các chiến trường.
Với tinh thần “tiếng hát át tiếng bom”, các nghệ sỹ Đoàn văn công Sông Vân đã góp phần động viên tinh thần chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược cng quân và dân cả nước trên khắp các mặt trận trong Nam, ngoài Bắc.
Gian khổ, thiếu thốn là thế nhưng anh chị em nghệ sỹ, diễn viên luôn vui vẻ, bất chấp hiểm nguy, các chương trình nghệ thuật luôn được dàn dựng mới, biểu diễn ở khắp các mặt trận, góp phần động viên các đơn vị bộ đội sẵn sàng chiến đấu, động viên Nhân dân hăng say lao động, sản xuất… Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Đoàn văn công Sông Vân có sự thay đổi về tên gọi để phù hợp với tình hình như: Đoàn chèo Sông Vân, Đoàn chèo Ninh Bình, Đoàn văn công Ninh Bình…
Những đóng góp của Đoàn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước rất đáng trân trọng. Từ năm 1982 đến 1991, Đoàn chèo Ninh Bình sáp nhập với Đoàn chèo Nam Định để thành lập Đoàn chèo Hà Nam Ninh. Cùng chung suy nghĩ, trách nhiệm và sự tâm huyết với nghề, các nghệ sỹ, diễn viên của Đoàn đã đoàn kết, nhất trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thời kỳ này, Đoàn chèo Hà Nam Ninh đã gây được tiếng vang tại các hội diễn toàn quốc qua các vở diễn. Trong thành tích chung của Đoàn, có sự đóng góp tích cực của các nghệ sỹ, diễn viên Ninh Bình. Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, vận hội mới mở ra để Đoàn văn công Ninh Bình có điều kiện phát triển. 24 cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên khi ấy thuộc các lĩnh vực: chèo, ca múa nhạc, cải lương, kịch nói là con em quê hương Ninh Bình đã trở về chung tay góp sức xây dựng quê hương, gây dựng nghệ thuật chèo truyền thống.
Những vở diễn đầu tiên sau 17 năm chia tách được Đoàn dàn dựng thành công, tiêu biểu như các vở chèo: “Tấm áo bào Hoàng Đế”, “Cô Son”, “Hoa khôi dạy chồng”, “Nước mắt Vua Đinh”… đã gây xúc động mạnh trong các tầng lớp nhân dân và bạn bè đồng nghiệp vì đã truyền tải đến người xem giá trị và ý nghĩa lịch sử, truyền thống và đương đi thông qua tác phẩm sân khấu.
Năm 2007, Đoàn Nghệ thuật Ninh Bình được nâng cấp thành Nhà hát Chèo Ninh Bình theo Quyết định của UBND tỉnh. Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho Nhà hát về cơ sở vật chất, các quy định về chế độ, chính sách, trang thiết bị, máy móc được đầu tư, bổ sung, mở các lớp đào tạo học sinh năng khiếu… là cơ hội và tiền đề quan trọng để Nhà hát phát triển, có những bước đi vững chắc, bắt nhịp với xu hướng phát triển của thời đại, giữ gìn nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc.
Nhìn lại quá trình hoạt động của Nhà hát Chèo Ninh Bình từ năm 1992 đến nay, không phụ sự tin tưởng, kỳ vọng của các cấp lãnh đạo tỉnh, Nhà hát Chèo Ninh Bình luôn hoàn thành xuất sắc công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ cán bộ, Nhân dân. Nhà hát đã không ngừng đầu tư, tìm tòi, đổi mới sáng tạo trong lao động nghệ thuật để có nhiều vở diễn chất lượng cao. Những vở chèo như: “Nước mắt Vua Đinh”, “Kim Nham”, “Trương Hán Siêu”, “Linh khí Hoa Lư”, “Tấm áo bào Hoàng Đế”, “Hoa khôi dạy chồng”, “Dương Vân Nga”, “Tiếng hát đại ngàn”, “Làng gọi”, “Lưu Bình trả nghĩa”, “Người con của Vạn Thắng Vương”, “Phú ông làm quan”, “Làm Vua”, “Người hát gọi mặt trời”, “Hương Tràm”… là những vở diễn không chỉ khẳng định hướng đi đúng của Nhà hát trong việc khôi phục, gữ gìn và phát ehuy vốn cổ nghệ thuật chèo truyền thống, mà còn mang đậm dấu ấn hơi thở thời đại.
Với trên 100 vở diễn, trích đoạn chèo truyền thống và đương đại, hàng chục vở diễn xuất sắc đoạt huy chương Vàng, huy chương Bạc, Bằng khen của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hơn 100 huy chương Vàng, Bạc, Bằng khen, giải diễn viên trẻ triển vọng, tài năng tại các cuộc thi, các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệap toàn quốc và khu vực cho tập thể và cá nhân các nghệ sỹ như: Nghệ sỹ Lâm Bình, Lý Thanh Kha, Xuân Nghị, Quang Thập, Mai Thủy, Mai Hoàa, Minh Huệ, Huyền Diệu, Anh Tú, Bá Toản, Đỗ Lý, Mai Hiên, Thanh Tuyền, Ngọc Anh, Bích Sợi, Diệu Thuấn, Ngọc Xuân, Quốc Vương, Thiên Sinh…
Với những thành quả đạt được trong chặng đường hoạt động và phát triển 65 năm qua, Nhà hát Chèo Ninh Bình đã vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; 17 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.
Không chỉ gây tiếng vang và ngày càng khẳng định vị thế của đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên lĩnh vực nghệ thuật sân khấu toàn quốc với các vở chèo, Nhà hát Chèo Ninh Bình còn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, dàn dựng công phu hàng nghìn chương trình ca múa nhạc dân gian, trống hội, chương trình múa rối nước, triển khai đề án khôi phục và phát triển nghệ thuật hát Xẩm; hợp tác giao lưu giới thiệu nghệ thuật Chèo thông qua việc tham gia các sự kiện trong nước, quốc tế; giao lưu biểu diễn ở nước ngoài … là những hoạt động phục vụ đắc lực cho phát triển công nghiệp văn hoá của tỉnh.
Trung bình hàng năm, Nhà hát đã biểu diễn từ 150-250 buổi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đa dạng của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, các đoàn khách trong nước, quốc tế khi đến thăm và làm việc tại Ninh Bình. Nhà hát cũng tích cực phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc đưa nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ thông qua chương trình hát Chèo, hát Xẩm, múa Chầu Văn, múa Rối Nước, những vở chèo về đề tài lịch sử và các buổi giao lưu, toạ đàm tại các Trường THPT, THCS trong toàn tỉnh.
Tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, Ban lãnh đạo Nhà hát Chèo Ninh Bình cùng tập thể cán bộ, nghệ sĩ luôn xây dựng mối đoàn kết, thống nhất, phát huy sáng tạo, không ngừng đổi mới, nỗ lực phấn đấu để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của Nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo theo định hướng của tỉnh, Nhà hát Chèo Ninh Bình tiếp tục phát huy những thế mạnh hiện có, hướng tới phát triển thêm các điểm biểu diễn nghệ thuật, để các điểm du lịch cũng như Nhà hát Phạm Thị Trân luôn luôn “sáng đèn” với các chương trình nghệ thuật mang đậm đặc trưng của vùng đất Cố đô. Qua đó góp phần đưa Ninh Bình sớm trở thành một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hoá, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á.