Ít người biết được, ở ngay khu phố 6 thuộc thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) lại có một người mấy chục năm qua luôn sống “cách biệt” với cuộc sống thường nhật: không điện, không nước và thậm chí cả không giao tiếp với những người xung quanh. Người ta hay gọi ông là “người rừng” vì lẽ đó.
“Người rừng” ở phố
“Người rừng” được nhắc đến ở đây là ông Phạm Đăng Vinh, thương binh 21% nhiều năm qua sinh sống tại khu phố 6, một khu phố sầm uất của thị trấn Yên Ninh. Ngôi nhà nhỏ của ông Vinh được xây dựng trên diện tích khá rộng nên xung quanh cây cối mọc um tùm, khiến “thế giới riêng” của ông như càng biệt lập với xung quanh.
Nhắc đến ông Vinh, bà Phan Thị Loan, hàng xóm gần nhà cho biết: Sau khi từ chiến trường trở về địa phương vào mấy chục năm trước, có lẽ do bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nên ông Vinh bắt đầu có cuộc sống như ở trong rừng.
Ngôi nhà mái ngói tềnh toàng, chẳng có vật dụng gì đáng giá. Việc nấu nướng hàng ngày được ông Vinh đun bằng các thanh củi được ông nhặt nhạnh về, điện chiếu sáng là chiếc đèn dầu. Khi ngủ,ông cũng không nằm giường mà thường xuyên mắc võng.
Điều kiện sống trước đây của ông Phạm Đăng Vinh trong ngôi nhà cũ.
Đặc biệt, ông không có nhu cầu giao tiếp với mọi người xung quanh. Hàng xóm láng giềng ít người dám lại gần hay vào nhà ông vì ông sẽ đuổi, không muốn tiếp. Nhiều năm qua, khu vườn xung quanh ngôi nhà nhỏ của ông cây, cỏ mọc um tùm, che kín lối đi, khiến ngôi nhà càng biệt lập với thế giới xung quanh. Đã nhiều lần hàng xóm và khu phố muốn đến giúp đỡ dọn dẹp nhưng đều bị ông xua đuổi.
Có những lần, họ hàng hay hàng xóm tiếp cận được để dọn dẹp nhà cửa thì bụi bám phải dày tới 5-6 phân. Cây cối, hoa quả mọc rồi rụng đầy sân không được dọn dẹp, thối rữa khiến môi trường xung quanh rất mất vệ sinh.
Ông Phạm Đăng Ninh, em trai ông Vinh cho biết: Đến tôi là em trai mà nhiều khi ông ấy cũng xua đuổi, không cho đến gần. Khi thấy anh trai mình sống trong hoàn cảnh hết sức khổ sở, thiếu thốn như thế nên gia đình càng mong muốn tìm mọi giải pháp để giúp đỡ anh mình hoà nhập với cuộc sống thường nhật nhưng “lực bất tòng tâm”.
Chung tay đưa “người rừng” hoà nhập cộng đồng
Với cấp uỷ chi bộ và tổ dân phố 6, cấp uỷ, chính quyền thị trấn Yên Ninh, mong muốn giúp người thương binh cao tuổi hoà nhập với cộng đồng luôn nằm trong kế hoạch của tập thể và tấm lòng, sự quan tâm, chia sẻ của hàng xóm, láng giềng.
Ông Lê Văn Thiện, Bí thư chi bộ phố 6 cho biết: Ở phố có lẽ tôi là một trong số ít người tiếp cận được với ông Vinh mà không bị xua đuổi. Tôi đã nhiều lần đến trò chuyện, hỏi han cuộc sống, tâm sự của ông Vinh để rồi tỉ tê để ông ấy thay đổi suy nghĩ…
Như việc phố và thị trấn mong muốn giúp đỡ ông Vinh xây dựng nhà mới đã lâu, hồi đầu ông ấy từ chối. Nhưng sau nhiều lần tôi phân tích, ông Vinh đã nghe ra và đến năm 2024 vừa qua đã đồng ý với sự giúp đỡ. Những ngày xây nhà cho ông Vinh, cả phố xúm lại, mỗi người một việc như đang lo việc lớn của gia đình.
Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ xây nhà của tỉnh, của huyện, bà con khu phố đã ủng hộ 10 triệu đồng, tham gia giúp đỡ ngày công, đảng viên giữ mối liên hệ với nơi cư trú ủng hộ 3 triệu đồng; đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ ủng hộ 18 triệu đồng xây tường bao…
Thị trấn Yên Ninh đã huy động được nguồn xã hội hoá từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm nên tổng kinh phí huy động xây dựng nhà mới cho ông Vinh lên tới 260 triệu đồng. Sau khi hoàn thiện nhà, số kinh phí xây nhà vẫn còn thừa 12 triệu đồng đã được phố làm sổ tiết kiệm cho ông Vinh.
Hội Phụ nữ thị trấn và người dân phố 6 thường xuyên đến dọn dẹp, chăm sóc vườn rau cho ông Vinh.
Đến thăm ngôi nhà mới của ông Vinh vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngôi nhà nhỏ khang trang, sạch đẹp đang được những người dân khu phố tham gia dọn dẹp.
Không còn vườn cây um tùm, rậm rạp che kín lối đi. Cây cỏ đã được dọn sạch, tường bao xây quanh làm cho khuôn viên ngôi nhà gọn gàng hơn.
Trong nhà, các vật dụng thiết thực được bà con khu phố ủng hộ đã xuất hiện trong cuộc sống của ông Vinh như: ti vi, hệ thống điện chiếu sáng, đường nước sạch, téc đựng nước, giường nằm…
Từ ngày có nhà mới, ông Vinh cũng dần có nhu cầu tiếp xúc, gặp gỡ những người xung quanh…
Tham gia dọn dẹp sân vườn giúp ông Vinh để đón xuân mới, chị Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Yên Ninh chia sẻ: Để giúp người thương binh cao tuổi hoà nhập với cuộc sống cộng đồng, Hội Phụ nữ thị trấn đã phân công hội viên tham gia dọn vệ sinh môi trường, sân vườn, đến trồng rau, cải tạo vườn tạp…Những khi ấy, ông Vinh cũng ra cùng dọn dẹp, tưới rau. Sự quan tâm, chia sẻ và không bỏ cuộc của những người xung quanh đã làm cho cuộc sống của ông Vinh thay đổi theo hướng tích cực.
Xuân Ất Tỵ này có lẽ là mùa xuân đầu tiên ông Phạm Đăng Vinh đón một cái Tết đúng nghĩa đầm ấm, ý nghĩa nhất trong cuộc đời.
Ông Phạm Đăng Vinh (áo trắng) tham gia gói bánh chưng cùng đoàn viên thanh niên.
Để động viên ông Vinh và cũng nhằm giúp ông cảm nhận được “hơi ấm” từ tình cảm yêu thương của cộng đồng dân cư, bà con khu phố, Đảng uỷ thị trấn đã chỉ đạo Đoàn thanh niên thị trấn tổ chức gói và nấu bánh chưng tại nhà ông Vinh để làm quà tặng cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Khoảng sân rộng trước cửa nhà ông Vinh hôm 22 tháng Chạp nhộn nhịp khác hẳn mọi ngày. Đoàn viên thanh niên tham gia gói bánh trò chuyện sôi nổi làm cho không khí vui tươi, ấm áp.
Ông Vinh hôm ấy cũng khác mọi ngày, được sự động viên của mọi người đã diện một chiếc áo sơ mi màu trắng, ngồi ngay cạnh các đoàn viên thanh niên, vui vẻ cùng tham gia các công đoạn gói bánh chưng…
Chứng kiến hình ảnh xúc động này, ông Phạm Đăng Ninh, em trai ông Vinh cảm động cho biết: Cuộc sống “dị biệt” của anh trai tôi có lẽ sẽ kéo dài mãi nếu không có sự quan tâm, chia sẻ và đồng hành của cấp uỷ, chính quyền, bà con khu phố. Dù nhiều lần vấp phải sự phản đối, thậm chí là chống đối của anh trai tôi nhưng mọi người chưa bao giờ bỏ cuộc, để anh trai tôi đã “không bị bỏ lại phía sau”…