Phóng viên: Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam cũng là dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành Y tế (27/2/1955- 27/2/2025). Xin đồng chí cho biết phong trào thi đua làm theo lời Bác dạy có ý nghĩa như thế nào đối với ngành Y tế?
Đ/c Phạm Thị Phương Hạnh: Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết gửi hội nghị cán bộ y tế được đăng trên Báo Nhân dân số 362, ngày 27/2/1955, ngắn gọn chỉ hơn 300 từ, nhưng đã thể hiện ba nội dung hết sức quan trọng của ngành Y tế, đó là: Phải thật thà đoàn kết; thương yêu người bệnh; xây dựng nền Y học của ta. 70 năm đã trôi qua, nhưng 3 nội dung trên vẫn còn nguyên giá trị và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế Ninh Bình vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện theo lời Bác dạy, để luôn luôn “Lương y phải như từ mẫu” và xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân.
Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Công đoàn cơ sở cùng cấp tổ chức phát động, triển khai, thực hiện Phong trào thi đua “Ngành Y tế 70 năm làm theo lời Bác Hồ dạy” phù hợp với tình tình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Phong trào thi đua “Ngành Y tế 70 năm làm theo lời Bác Hồ dạy” trong toàn ngành gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chủ đề công tác hàng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thông tư 07/2014/TT-BYT về quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, Quyết định số 2151/QĐ-BYT của Bộ Y tế về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”...
Phóng viên: Thưa đồng chí, kết quả từ các phong trào thi đua đã có tác động như thế nào đến việc thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ Nhân dân của toàn ngành?
Đ/c Phạm Thị Phương Hạnh: Kết quả từ các phong trào thi đua đã có tác động cổ vũ, động viên, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy tài năng, trí tuệ, tích cực thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Các phong trào thi đua cũng đã gắn kết toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Y tế thành sức mạnh tổng hợp, nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình giao.
Những năm qua, ngành Y tế luôn chủ động các biện pháp giám sát, phát hiện, phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất ứng phó các tình huống, không để các dịch bệnh lớn, dịch bệnh nguy hiểm xảy ra; khống chế kịp thời và đẩy lùi các dịch bệnh mới phát sinh..., hàng năm số trường hợp mắc giảm so với cùng kỳ năm trước.
Giai đoạn 2015-2024 đã ghi nhận tình hình và diễn biến phức tạp của các dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Ngành Y tế đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện các biện pháp linh hoạt, chủ động để thích ứng với chiến lược phòng, chống bệnh dịch trong từng giai đoạn. Nhờ đó Ninh Bình đã đứng vững trước dịch COVID-19, khống chế và kiểm soát được sự lan nhanh của dịch bệnh, hạn chế số người tử vong do COVID-19, được Trung ương đánh giá cao.
Công tác bảo đảm ATTP đã và đang từng bước kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ gây mất ATTP. Công tác khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và y học cổ truyền luôn được chú trọng. Với phương châm coi người bệnh là “khách hàng đặc biệt”, ngành Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng quy mô giường bệnh các cơ sở y tế, đáp ứng quy mô bệnh tật, nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
Công tác chuyển đổi số đã được chú trọng phát triển, từ chỗ ứng dụng công nghệ thông tin phân mảnh đến việc triển khai đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Toàn ngành đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, 100% văn bản đến của Sở Y tế được xử lý trên Hệ thống quản lý văn bản điều hành (gọi tắt là Hệ thống), 100% văn bản đi được ký số và gửi qua Hệ thống (trừ những văn bản mật), 100% đơn vị khám chữa bệnh đã liên thông dữ liệu với cơ quan Bảo hiểm xã hội phục vụ công tác quản lý và thanh quyết toán chi phí khám; triển khai khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân có gắn chip tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; thực hiện kết nối khám, chữa bệnh từ xa giữa 11 đơn vị tuyến tỉnh và tuyến huyện của tỉnh với 13 bệnh viện tuyến trên; duy trì triển khai phần mềm Y tế cơ sở, phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm, phần mềm Tiêm chủng mở rộng, hồ sơ sức khỏe điện tử. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai Bệnh án điện tử (Bệnh viện không giấy tờ) từ ngày 1/1/2025.
Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư đã tạo ra diện mạo mới cho các đơn vị y tế nói chung, đặc biệt là y tế cơ sở nói riêng khang trang, sạch đẹp, cán bộ y tế cơ sở có điều kiện làm việc tốt hơn và nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.
Đặc biệt, công trình đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh với quy mô 900 giường bệnh, tổng mức đầu tư trên 2.670 tỷ đồng đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2020; 12 công trình y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư hơn 700 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025; 43 Trạm Y tế tuyến xã được Chính phủ quan tâm sửa chữa, nâng cấp, với tổng giá trị đầu tư 94 tỷ đồng.
Thực hiện giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị trực thuộc đã giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, giảm cấp chi thường xuyên cho các đơn vị khám, chữa bệnh, dành nguồn hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách thông qua việc hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế; tăng chi cho y tế dự phòng, dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách khác của ngành Y tế.
Các chỉ số về sức khỏe Nhân dân được cải thiện vượt bậc, có nhiều chỉ số năm 2024 đã vượt kế hoạch đề ra so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII như: Số giường bệnh trên vạn dân đạt 42,05 (năm 2015 là 26,8), số bác sĩ trên vạn dân đạt 13 (năm 2015 là 9,6), tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi là 12,7% (năm 2015 là 24,8); tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số (năm 2015 là 70,1)... Từng bước xây dựng ngành Y tế Ninh Bình ngày càng phát triển, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh những năm qua.
Phóng viên: Y đức của người thầy thuốc luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm và đây cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành. Đồng chí có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này?
Đ/c Phạm Thị Phương Hạnh: Theo lời dạy của Bác Hồ: Người thầy thuốc phải "giỏi chuyên môn, sáng y đức". Vì vậy, đội ngũ thầy thuốc về chuyên môn cần thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề…”. Hơn nữa, người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền Y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại.
Trải dài theo thời gian, ngành Y tế Ninh Bình luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, mỗi người thầy thuốc cần tích cực học tập, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, tự làm giàu trí tuệ, nâng cao y đức cũng như trách nhiệm với bệnh nhân. Tất cả cùng hướng vào tiêu chí chung “Vì sức khỏe của cộng đồng-Vì sự nghiệp dân cường nước thịnh” với tâm đức “Lương y phải như từ mẫu-Thầy thuốc phải như mẹ hiền” mà Bác Hồ kính yêu đã dạy.
Phóng viên: Đồng chí có những chia sẻ gì cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế toàn ngành nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam?
Đ/c Phạm Thị Phương Hạnh: Nghề Y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, những người thầy thuốc phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức mới thực hiện được lời dạy của Bác. Mỗi cán bộ y tế cần phải nghiên cứu vận dụng y đức vào từng vị trí công tác của mình để có phương hướng phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đó chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp, thực hiện lời dạy bảo đồng thời cũng là mệnh lệnh thiêng liêng xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng tôn kính đối với Bác Hồ, vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Mỗi tập thể, cá nhân trong ngành Y tế cần ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị trong năm 2025 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII; hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Ninh Bình lần thứ VI giai đoạn 2025-2030, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI.
Tăng cường đoàn kết nội bộ, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và trau dồi đạo đức cách mạng: Yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác. Thi đua xây dựng nền y tế khoa học, dân tộc và đại chúng nhằm phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; huy động mọi người dân chung tay, đồng hành cùng ngành Y tế làm tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Thi đua nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Y tế thông qua việc mỗi cá nhân tích cực, chủ động tự học tập, tự nghiên cứu trau dồi kiến thức y học, y sinh, làm chủ phương tiện khám, chữa bệnh.
Thi đua xây dựng các đơn vị trong ngành Y tế vững mạnh về tổ chức, làm điều kiện tiên quyết để xây dựng đội ngũ thầy thuốc sáng y đức, giỏi y nghiệp; làm tốt công tác cán bộ ngành Y, nhất là vùng khó khăn, chuyên ngành khó tuyển.
Thi đua thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với ngành Y tế trong việc thực hiện sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!