Ngày 31/12, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Ninh Bình-Thực trạng và giải pháp".
Nhận thức sâu sắc việc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên, Ninh Bình chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa-xã hội, môi trường sinh thái chuyên biệt, đặc sắc dựa trên tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh gắn với phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá: Giai đoạn 2015-2020, chi đầu tư cho sự nghiệp văn hoá chiếm 3,37% tổng chi ngân sách toàn tỉnh; giai đoạn 2021-2025, chi đầu tư cho các công trình, dự án văn hoá chiếm 20% tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch gắn với xây dựng, phát triển công nghiệp văn hoá đã đạt được một số kết quả: Các di sản văn hoá phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, làm rõ, được người dân tự nguyện, tự giác giữ gìn và phát huy trong đời sống xã hội. Các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình được bảo tồn, phát huy, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế.
Nhiều sự kiện văn hoá, khoa học, nghệ thuật mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức, thu hút đông đảo du khách và giới chuyên gia, các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu, hợp tác. Du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước, được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá, bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, hiếu khách và được yêu thích nhất...
Để tiếp tục hiện thực hóa chủ trương, định hướng của tỉnh Ninh Bình, xây dựng Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn có giá trị cao về du lịch, công nghiệp văn hóa và tổ chức sự kiện quốc gia, khu vực và quốc tế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 4/11/2024 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam triển khai khảo sát, làm việc với các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan và thu thập dữ liệu, nghiên cứu, đánh giá toàn diện thực trạng 11 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa gồm: Du lịch văn hóa; thủ công mỹ nghệ; điện ảnh (phim trường); nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thiết kế, thể thao...
PGS, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu kết luận tọa đàm.
Tại Toạ đàm, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, đại diện các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan đã chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến, đánh giá về tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; giải pháp để phát huy các tiềm năng, lợi thế để từng bước xây dựng các ngành công nghiệp văn hoá ở địa phương, đưa Ninh Bình trở thành tỉnh có ngành công nghiệp văn hóa phát triển trong tương lai.