Theo số liệu thống kê từ Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 3.370 triệu USD, tăng 5,6% so với năm 2023 và vượt 3,7% so với kế hoạch năm. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Xi măng và clanke ước đạt 580,8 triệu USD, bằng 83,5% kế hoạch năm; quần áo các loại ước đạt 295,4 triệu USD, bằng 93,6% kế hoạch năm; camera và linh kiện điện thoại ước đạt 746,3 triệu USD, bằng 103,6% kế hoạch năm; giày dép khác ước 1.010,4 triệu USD bằng 111,2% so với kế hoạch năm; ô tô và linh kiện ô tô ước đạt 202 triệu USD bằng 123,5% kế hoạch năm.
Nhận định về sự tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu, bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Asia+ (huyện Yên Mô) cho biết: Hoạt động xuất khẩu khởi sắc là do tình hình lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng giảm. Nhiều đối tác xuất khẩu chính của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã giảm lượng hàng tồn kho, tăng sức mua vào dịp cuối năm cũng như các mùa lễ hội lớn. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh (gồm cả DN khu vực FDI và DN trong nước) đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ thời điểm còn khó khăn để sẵn sàng đón nhận cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu trên thế giới tăng trở lại trong năm nay. Bên cạnh đó, trong điều kiện khó khăn, nhiều DN đã nỗ lực hơn để tìm cách đa dạng hóa sản phẩm, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu...
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng theo nhận định của nhiều DN, thời gian tới, thị trường xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức do bối cảnh địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; một số quốc gia đề ra những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu…
Đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; một số DN gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất, đơn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm; sức ép lạm phát vẫn còn cao dẫn đến giá vật tư, phụ tùng, nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh. Tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung của một số loại than cho sản xuất phân bón vẫn còn, bên cạnh đó nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất vẫn cao.
Ngoài ra, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây ra một số thiệt hại cho các DN trong các KCN, mặc dù tổn thất không nhiều, nhưng cũng làm cho quá trình sản xuất bị chậm lại; sau bão, do ảnh hưởng của hoàn lưu gây mưa lớn, nhất là lũ thượng nguồn đổ về, mực nước các sông ở Ninh Bình dâng cao, một số DN tạm dừng sản xuất để triển khai các biện pháp chống ngập úng, hoặc di chuyển sản phẩm, máy móc, thiết bị đến nơi khác để đảm bảo an toàn; một số DN cho người lao động nghỉ việc để đảm bảo an toàn trong những ngày mưa bão.
Mặc dù vậy, trong điều kiện khó khăn, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để duy trì sự tăng trưởng bền vững của xuất khẩu. Cụ thể như ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Bình năm 2024 tại Quyết định số 313/QĐ-UBND ngày 05/5/2024; trong đó, tập trung quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, về các chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, CCN, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh đạt nhiều kết quả tích cực.
Tỉnh đã đặc biệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, tập trung phổ biến cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là các FTA thế hệ mới đến các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân dưới nhiều hình thức.
Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tổ chức phổ biến tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các nội dung liên quan đến các cam kết, nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Đồng thời thông tin rộng rãi, kịp thời các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đặc biệt là các đoàn xúc tiến thương mại nghiên cứu, mở rộng thị trường của Bộ Công Thương tại Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ, Canada… để các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh biết và tham gia; theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin về hoạt động thông quan tại các cửa khẩu với Trung Quốc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã được tỉnh tận dụng tối đa các cơ hội nhằm quảng bá tiềm năng thế mạnh các lĩnh vực kinh tế cũng như góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tỉnh đã cử các Đoàn do Lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng đoàn dự các hội nghị, diễn đàn kinh tế tại nước ngoài như dự “Kỳ họp lần thứ 8 Đối thoại thường niên về kinh tế Việt-Pháp” tại Cộng hòa Pháp; xúc tiến du lịch tại Nhật Bản; cử các Đoàn tham dự Hội chợ tại Thượng Hải, Vân Nam và tiếp đón các nhà đầu tư đến từ tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).
Đồng thời, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư; đăng tải các thông tin quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và quy hoạch ngành, lĩnh vực đầu tư trên cổng thông tin điện tử của tỉnh giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tra cứu thông tin.
Cùng với đó, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường các giải pháp tiếp tục hỗ trợ tối đa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, hỗ trợ tín dụng... Qua đó, DN xuất, nhập khẩu có động lực duy trì sản xuất, kinh doanh, có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Có thể khẳng định, với những giải pháp đồng bộ của tỉnh, cùng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh linh hoạt, phù hợp của các DN, kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của tỉnh sẽ luôn là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Bình.