Trong hai ngày 5 và 6/3, Sở Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS) tổ chức Hội thảo quốc tế “Lượng hóa giá trị Quần thể danh thắng Tràng An và phát triển thương hiệu của điểm đến di sản thế giới”.
Tới dự phiên thứ nhất - phiên kỹ thuật chiều ngày 5/3 có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đinh Văn Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hoa Lư; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan.
Cùng dự có đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật; các chuyên gia, nhà khoa học của UNESCO; Tổ chức Santagata về Kinh tế Văn hóa (Ý); Viện Leibniz về Phát triển Đô thị và Vùng kinh tế Sinh thái (Đức).
Các đại biểu dự hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự công nhận các giá trị tổng quan của khu vực di sản thế giới thông qua nghiên cứu chuyên sâu về Quần thể danh thắng Tràng An. Từ đó xác định các kịch bản phát triển khác nhau và đề xuất các khuyến nghị trong nước và quốc tế đối với tầm nhìn chiến lược trong quản lý khu vực di sản mở rộng. Đồng thời đề xuất các hành động cụ thể thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.
Quần thể danh thắng Tràng An đã được ghi danh vào danh sách di sản thế giới của UNESCO vào năm 2014, trở thành một trong số ít di sản thế giới hỗn hợp trong khu vực. Việc lượng hóa giá trị di sản là một trong những nhiệm vụ trong tâm trong khai thác và phát triển kinh tế di sản. Trong đó, việc lượng giá giá trị của Di sản thế giới Tràng An có vai trò rất quan trọng trong chiến lược, định hướng phát triển của Ninh Bình cũng như sự phát triển bền vững.
Thời gian qua, nhiều hội thảo kỹ thuật và đối thoại chính sách đã được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình nhằm nghiên cứu về các đặc điểm và giá trị độc đáo của di sản này. Riêng giai đoạn 2023-2025, UBND tỉnh đã triển khai “Đề án nghiên cứu về Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An” với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNESCO, Đại học Quốc gia Hà Nội và các đối tác nghiên cứu quốc tế.
Sau 2 năm triển khai, Đề án đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nhận diện, đánh giá giá trị kinh tế - thương hiệu Di sản Tràng An. Từ đó cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách bền vững; tăng cường nhận thức và trách nhiệm cộng đồng, đưa ra các định hướng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
TS. Trần Nhật Lam Duyên, VNU-SIS tham luận tại hội thảo.
Tại phiên thứ nhất của hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tập trung trình bày các kết quả nghiên cứu về bốn nhóm giá trị đóng góp vào giá trị kinh tế của Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An gồm: Sự đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên và sinh học, các giá trị lịch sử và văn hóa, di sản định cư liên tục và thương hiệu điểm đến di sản mở rộng. Nổi bật là các vấn đề như: Khung tổng thể về nội dung nghiên cứu và tác động chính sách của đề án Lượng giá giá trị kinh tế di sản Di sản thế giới Tràng An trong phát triển; phương pháp Lượng giá giá trị kinh tế di sản – Áp dụng cho trường hợp di sản phức hợp Di sản thế giới Tràng An; Khai thác nghệ thuật thị giác của Cố đô Hoa Lư trong công nghiệp văn hóa và du lịch di sản tương lai...
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đã chia sẻ, làm rõ thêm khái niệm “Đô thị di sản thiên niên kỷ” và việc Ninh Bình lựa chọn mô hình này trong định hướng phát triển là nhằm hướng tới các giá trị thiên niên kỷ, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức của đô thị nén đang đe dọa thôn tính di sản, cản trở quá trình phát triển, các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu... Ninh Bình hướng tới xây dựng mô hình đô thị cảnh quan văn hóa như là sự tiếp nối của đô thị di sản thiên niên kỷ với mục tiêu đề cao các giá trị thẩm mỹ, hòa hợp giữa giá trị nhân tạo và giá trị thiên tạo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đoàn Minh Huấn phát biểu tại hội thảo.
Tỉnh Ninh Bình hướng tới triết lý phụng dưỡng thiên nhiên, chăm sóc bằng tinh thần tự giác, như sự báo đáp với những gì thiên nhiên ban tặng. Mô hình này cũng đặt ra các yêu cầu đối với kiến trúc các công trình, các phân khu chức năng, thị giác công cộng không được xung đột với cảnh quan di sản; mô hình cư trú sản xuất dịch vụ đời sống dân sinh không được xâm hại đến cảnh quan mà phải làm cảnh quan di sản trở nên sống động hơn, đời sống con người quyện chặt trong di sản trong đó người dân sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản. Di sản văn hóa là phần hồn tạo nên sự sinh động cho di sản thiên nhiên và đây cũng là đặc trưng hiếm có của di sản thế giới Tràng An – di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại.
Chia sẻ thêm về các giá trị của Di sản định đô Hoa Lư, Di sản lấn biển điển hình, Di sản định cư chuyển tiếp Việt Mường... trong Di sản Tràng An; những định hướng của tỉnh trong quy hoạch, quản lý cảnh quan nông thôn trong xây dựng đô thị di sản; việc coi trọng phục hồi, hồi sinh các dòng sông cổ, các nhà cổ, tường thành; chiến lược hạ tầng xanh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng kiến nghị, đề xuất UNESCO cần xây dựng quan niệm đầy đủ hơn về đời sống người dân trong di sản, tránh 2 thái cực tuyệt đối hóa: thứ nhất đó là bảo tồn di sản mà quay lưng lại với sinh kế của người dân và thứ hai là tuyệt đối hóa kinh doanh khiến cho di sản vượt quá ngưỡng chịu tải.
Đồng chí cũng cho biết về nền tảng kinh tế của đô thị di sản đó chính là kinh tế xanh dựa trên phát huy tài nguyên di sản trên cơ sở đánh giá tiềm năng, trữ lượng di sản. Và để làm được điều này thì cần phải có các công cụ lượng hóa. Tuy nhiên, chắc chắn rằng việc lượng hóa này không thể tách rời việc xây dựng thương hiệu địa phương, phát triển các ngành kinh tế sáng tạo...
Thực tế, Ninh Bình đang phấn đấu trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo ngoài trời tiêu biểu của đất nước dựa trên nền tảng sáng tạo văn hoá nghệ thuật, làm mới truyền thống, phát huy giá trị cảnh sắc thiên nhiên và tài nguyên di sản độc đáo với một tổ hợp các công viên di sản, công viên giải trí, công viên phim trường, cụm ngành công nghiệp thể thao, công nghiệp biểu diễn sân khấu thực cảnh,...
Ngày 6/3, Hội thảo tiếp tục với hai phiên thảo luận: “Khía cạnh kinh tế của Di sản thế giới: Bài học từ các mô hình toàn cầu và định hướng cho di sản thế giới Tràng An”; “Kinh tế du lịch và kịch bản phát triển bền vững cho di sản thế giới Tràng An và các khuyến nghị chính sách”.