Hành cung Vũ Lâm không chỉ là một di tích lịch sử quan trọng mà còn là một kho tàng văn hóa, khảo cổ, thiên nhiên độc đáo. Với những giá trị riêng có, Hành cung Vũ Lâm có nhiều tiềm năng để phát triển thành sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn.
Nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, Hành cung Vũ Lâm bao gồm hệ thống di tích văn hóa, tâm linh trải dài ở các xã Ninh Hải, Ninh Vân, Ninh Nhất (thành phố Hoa Lư). Đây không chỉ là căn cứ quân sự quan trọng thời Trần góp phần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII mà còn là nơi gắn với sự kiện các vua Trần xuất gia tu hành, mở mang Phật giáo.
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Thành viên Ủy ban Di sản thế giới cho biết: Trong nhiều hành cung được nhà Trần xây dựng thì Hành cung Vũ Lâm không giống với bất kỳ hành cung nào khác bởi nó phát huy cả ba vai trò là căn cứ địa kháng chiến, là kinh đô thứ hai hay trạm nghỉ của vua, là nơi khởi đầu xuất gia tu tập của vua Trần Nhân Tông.
Các di tích nhân văn kết hợp với cảnh quan tự nhiên sông, núi, hang động tạo thành một hệ sinh thái nhân văn độc đáo, vừa bổ sung giá trị, vừa tạo ra điểm nổi bật đặc sắc cho Quần thể di sản thế giới Tràng An. Đây là một tiềm năng lợi thế to lớn để Ninh Bình xây dựng thành các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có.
Tuy vậy, theo GS.TS Nguyễn Văn Kim, việc đánh giá đúng vị thế của Hành cung Vũ Lâm trong Quần thể danh thắng Tràng An hiện nay vẫn còn khiêm tốn; việc khai thác giá trị đặc biệt, riêng có của Hành cung này để gắn với phát triển du lịch chưa được phát huy xứng tầm.
“Du khách khi đến với Ninh Bình chủ yếu tập trung tham quan, vãn cảnh ở các điểm du lịch nổi tiếng như Tam Cốc, Tràng An, Phố cổ Hoa Lư, Thung Nham… và một số ngôi chùa, đền lớn. Tuy nhiên, hiện nay một lượng du khách có xu hướng muốn tiếp cận với di tích khảo cổ, như là một nhu cầu tự nhiên của con người tìm về quá khứ để nhận biết hiện tại và mong muốn cao hơn là dự đoán tương lai"- GS.TS Nguyễn Văn Kim cho biết thêm.
Việc khai thác giá trị Hành cung Vũ Lâm để xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch thiền, du lịch chữa bệnh là rất cần thiết. Đây là những loại hình du lịch bền vững, giúp kéo dài thời gian lưu trú và tạo công ăn việc làm cho người dân ở vùng phụ cận.
Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh để khai thác giá trị của Hành cung Vũ Lâm. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Để khai thác giá trị Hành cung Vũ Lâm phát triển du lịch, kết nối di sản, PGS.TS Dương Thị Thu Hà, Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần có chính sách khuyến khích, huy động, tập trung nguồn lực, phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh của di sản Hành cung Vũ Lâm trong Quần thể danh thắng Tràng An. Hành cung Vũ Lâm sở hữu giá trị đặc sắc, riêng có, bổ sung toàn diện hơn giá trị trong Quần thể Di sản thế giới Tràng An, đặt trong mối quan hệ phát triển bền vững cũng như hướng tới việc Ninh Bình là đô thị di sản.
Ngoài ra, cần xây dựng quy hoạch để bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả di sản Hành cung Vũ Lâm. Quy hoạch phải đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản Hành cung Vũ Lâm. Muốn được như vậy, công tác quy hoạch cần sự tham gia tích cực của 4 nhà: Nhà nước - Nhà Văn hóa (nghệ sĩ, người sáng tạo, nghệ nhân) - Nhà đầu tư - Nhà du lịch.
PGS.TS Dương Thị Thu Hà gợi ý thêm, ngành Du lịch cần nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch chuyên đề gắn với “câu chuyện” cụ thể, câu chuyện đó được kể ra sao và kể bằng cách nào sẽ quyết định tính chuyên biệt và phương án triển khai sản phẩm du lịch như: tìm về “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”; theo dấu chân Phật hoàng, du lịch thiền, chương trình trải nghiệm hệ thống các đền tại Hành cung Vũ Lâm... Đối tượng hướng tới đầu tiên là các vị tu sĩ, các doanh nghiệp, các nhà văn hóa.
Kết hợp với các sự kiện của Phật giáo, sự kiện văn hóa để tổ chức tham quan, hành hương về Hành cung Vũ Lâm; mời một số người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng xã hội tham gia trải nghiệm trong chương trình du lịch trải nghiệm hành cung Vũ Lâm. Các chương trình du lịch nên có một số bữa ăn chay, thưởng thức trà đạo,... được chế biến từ nguồn nông sản, dược liệu địa phương.
Thiết kế một số đồ lưu niệm và vật phẩm trang trí mang phong cách thiền. Phục dựng và bảo tồn các lễ hội ở các chùa, đền thuộc Hành cung Vũ Lâm như đền Thái Vi, chùa Khả Lương, chùa Hạ Trạo… Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên không chỉ có năng lực thuyết minh mà phải có kiến thức về lịch sử, văn hóa, đặc biệt hiểu được giá trị đặc sắc của Phật giáo Trúc Lâm, của Hành cung Vũ Lâm, có khả năng hướng dẫn thực hành trải nghiệm để đảm bảo tính đặc sắc của những chương trình du lịch.
Hành cung Vũ Lâm là một di sản văn hóa, thiên nhiên, lịch sử đặc sắc nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An. Vì vậy, các cấp, các ngành cần tiếp tục nhận diện đầy đủ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của Hành cung Vũ Lâm để có những định hướng bảo tồn và phát huy hiệu quả, thúc đẩy loại hình du lịch tâm linh, du lịch thiền, du lịch chữa bệnh phát triển trong thời gian tới. Qua đó, góp phần phát triển du lịch bền vững, khẳng định vị thế của Ninh Bình trong hệ thống thành phố di sản văn hóa của Việt Nam và trên thế giới.