Nhờ nhạy bén với thị trường, cùng sự cần cù, chịu khó, nhiều nông dân xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây cảnh.
Về Yên Sơn, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi những vườn cây cảnh đủ kiểu dáng có quy mô lớn được cắt tỉa cẩn thận bởi bàn tay khéo léo, cần cù của những người nông dân nơi đây. Là một trong những người đi tiên phong trong nghề trồng cây cảnh ở Yên Sơn, anh Bùi Văn Dương (dân tộc Mường), thôn Khánh Ninh, đang sở hữu 400 cây cảnh, chủ yếu là cây duối. Trong đó có những cây có giá trị lên đến nửa tỷ đồng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái thái khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, anh Dương phấn khởi nói: "Từ ngày chuyển đổi sang nghề trồng cây cảnh, cuộc sống của gia đình tôi khấm khá lên trông thấy. Cuối năm vừa rồi, tôi bán được 2 cây duối có giá hơn 1 tỷ đồng, còn bình quân mỗi năm tôi có thu nhập vài trăm triệu đồng".
Trước đây, anh Dương làm nghề thợ xây, tuy nhiên công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Nhận thấy quê hương có vườn đất rộng, gần đồi núi khá phù hợp với nghề trồng cây cảnh, hơn nữa anh sớm nhận định thị trường cây cảnh trong tương lai sẽ phát triển khi đời sống người dân nâng cao. Vì vậy, cùng với niềm đam mê cây cảnh từ bé, năm 2007 anh Dương quyết định chọn hướng phát triển kinh tế là trồng cây cảnh.
Xác định được hướng đi nhưng khi bắt tay vào làm, anh Dương gặp nhiều khó khăn: vốn đầu tư ít, chưa có kỹ thuật trồng, chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh, chưa có thu nhập để phục vụ cuộc sống, chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm… Do vậy, ngoài việc thường xuyên đi giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ thuật chăm sóc, tay nghề uốn tỉa cây cảnh, anh Dương tự đi lấy cây phôi trên đồi rừng về trồng và tự sản xuất ang, chậu bằng xi măng nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư.
"Năm nào cũng vậy cứ đến mùa sinh trưởng của cây từ tháng 4 đến tháng 6, tôi cùng anh em trong Hội trồng cây cảnh lại nắm cơm lên rừng tìm, kiếm cây phôi. Mặc dù phải đối mặt với khó khăn, vất vả nhưng bù lại, chúng tôi chọn được cây khá ưng ý, đảm bảo chất lượng."- Anh Dương chia sẻ.
Anh Bùi Văn Dương, thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn đang sở hữu 400 cây cảnh có giá trị.
Nhờ đôi bàn tay khéo léo của anh Dương, từ những cây thô đầu tiên sau một vài năm được chăm sóc, cắt tỉa, uốn nắn đã trở thành cây cảnh có giá từ vài triệu đến vài chục triệu. Hiệu quả kinh tế có được ngay từ những năm đầu đã tạo động lực, niềm tin giúp anh Dương kiên trì vượt qua mọi khó khăn để yên tâm gắn bó, phát triển nghề. Đến nay, anh Dương có vài mẫu vườn trồng 400 cây cảnh, chủ yếu là cây duối. Trong đó có những cây có dáng thế lớn, tuổi cây cao, giá trị kinh tế từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi cây. Bình quân mỗi năm, nghề trồng cây cảnh mang về nguồn thu từ 300 - 350 triệu đồng cho gia đình anh Dương và tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động.
Từ những hộ trồng cây cảnh đầu tiên ở thôn Khánh Ninh, người chơi cây chưa biết đến, đến nay trên địa bàn xã Yên Sơn có 54 hộ trồng cây cảnh, trong đó nhiều hộ đã có "tên tuổi" trong làng cây cảnh. Hàng năm, các hộ tạo ra hàng trăm sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, được thị trường cả trong và ngoài tỉnh đón nhận. Thu nhập của các hộ trồng cây cảnh từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn Lê Văn Vượng cho biết: Nhận thấy nghề trồng cây cảnh có tiềm năng phát triển, hàng năm Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; tuyên tuyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường. Đặc biệt, Hội phối hợp với các nghệ nhân cây cảnh trên địa bàn xã hướng dẫn theo cách "cầm tay chỉ việc" để các hộ mới làm nhanh chóng nắm bắt và áp dụng hiệu quả kỹ thuật sản xuất. Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho 30 hộ trồng cây cảnh vay vốn với tổng dự nợ hơn 1,5 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất. Nghề trồng cây cảnh đang mở ra hướng phát triển bền vững cho người nông dân xã Yên Sơn, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.