Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày gần đây, trên khắp các nền tảng mạng xã hội từ Facebook, Zalo hay Instagram… đã xuất hiện rất nhiều quầy hàng “online” bán quà tặng nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 như hoa nhũ, hoa sáp, hoa dâu tây (sự kết hợp của quả Dâu tây và các loại hoa phụ như: baby trắng, hoa hồng, hoa thạch thảo…) và các sản phẩm handmade. Những gian hàng này chủ yếu thuộc về các bạn trẻ, sinh viên, hoặc các câu lạc bộ, đội nhóm trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh hoa tươi truyền thống, nhiều bạn trẻ còn sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo như hoa “dâu tây”, hoa nhũ hay hoa sáp. Bạn Trần Thị Yến, 23 tuổi quê Kim Sơn, cho biết: “Từ cuối tháng 2, mình bắt đầu làm và đăng bán các sản phẩm hoa dâu tây, hoa nhũ và hoa sáp. Đây không chỉ là cách để mình kiếm thêm thu nhập mà còn là cơ hội để gửi gắm những thông điệp yêu thương đến mọi người”. Những sản phẩm của Yến đã nhanh chóng nhận được sự chú ý và yêu thích từ cộng đồng mạng, nhờ vào sự sáng tạo và tính chất cá nhân hóa.
Các sản phẩm tại quầy hàng của giới trẻ thường có giá cả rất cạnh tranh, rẻ hơn khoảng 20-30% so với thị trường, giúp họ dễ dàng thu hút khách hàng. Giá hoa dâu tây dao động từ 100.000 đến 250.000 đồng/bó, nhưng vẫn luôn được các bạn trẻ linh động gói hoa theo yêu cầu, thậm chí bán lẻ từng bông với mức giá chỉ từ 10.000 đến 50.000 đồng/bông, đáp ứng nhu cầu phong phú của khách hàng.
Không chỉ hoa dâu tây, các sản phẩm móc len handmade cũng thu hút sự chú ý và quan tâm của đông đảo khách hàng. Bạn Ngọc Hà, sinh viên năm 3, chủ tiệm handmade Nhimsmoclen hào hứng chia sẻ: “Sau lễ Tình nhân 14/2, mình đã bắt tay vào làm các đơn hàng và viết thiệp để phục vụ cho dịp 8/3. Mỗi sản phẩm không chỉ là một món quà mang giá trị mà còn chứa đựng cảm xúc, sự tỉ mỉ và lòng tri ân của mình đối với những người phụ nữ trong cuộc sống”.
Khi được hỏi về lý do lựa chọn sản phẩm móc len để khởi nghiệp, cô chủ gen Z này cho biết, với khả năng tự đan tay và móc len, cô không cần phải bỏ ra nhiều vốn, hơn nữa các mặt hàng này có độ bền cao, mang giá trị lâu dài, giá thành lại rẻ hơn hoa tươi truyền thống, dễ tiếp cận được nhiều đối tượngkhách hàng, kể cả học sinh và sinh viên. Đặc biệt, Ngọc Hà còn nhận làm theo yêu cầu về màu sắc và kiểu dáng khiến các sản phẩm thêm phần cá nhân hoá.
Giá những sản phẩm móc len tại các quầy hàng khởi nghiệp của giới trẻ có giá dao động từ 15.000 đồng đến 250.000 đồng/sản phẩm, thấp hơn nhiều so với giá thành tại các cửa hàng lớn (từ 40.000 đến 300.000 đồng/sản phẩm).
Anh Phạm Ngọc Đường, đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hoa Lư cho biết: “Mình rất thích ủng hộ các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm. Những sản phẩm của họ không chỉ đẹp mà giá cũng rất hợp lý, hơn nữa, tôi còn cảm nhận được sự chân thành, chau chuốt trong từng sản phẩm”.
Dịp 8/3 năm nay, nhiều bạn trẻ của Ninh Bình đã năng động, thích ứng với nhu cầu của thị trường để “khởi nghiệp” với những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân, không chỉ chất lượng mà giá cả còn phải chăng. Những nỗ lực này không chỉ giúp các bạn trẻ khẳng định bản thân mà còn mang lại những giá trị tinh thần ý nghĩa cho người tiêu dùng.