Nhằm từng bước thích nghi với xu hướng phát triển, thời gian qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất, đặc biệt là chế biến sâu nông sản sau thu hoạch. Từ đó không chỉ giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản mà còn tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, từng bước nâng cao giá trị nông sản.
HTX sản xuất và chế biến nông sản Mai Anh, xã Quỳnh Lưu (Nho Quan) được thành lập năm 2023 với 7 thành viên chuyên canh cây sen Nhật trên diện tích 8 ha. Khi mới thành lập, HTX chủ yếu sản xuất thủ công các sản phẩm là cây sen nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và sự thống nhất của các thành viên, HTX đã đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc sản xuất theo dây chuyền khép kín gồm 8 máy các loại: Máy thái, máy nghiền củ, máy nghiền mịn, máy sấy lá, củ, máy hút chân không, máy sao chè, máy sấy bột, máy thu hoạch củ sen; sửa chữa khu nhà xưởng đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, HTX đã sản xuất các sản phẩm: Củ sen tươi hút chân không, trà củ sen, bột củ sen và trà lá sen. Việc đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc sản xuất theo dây chuyền khép kín đi vào chế biến sâu đã giúp HTX nâng cao giá trị sản phẩm so với bán thô như trước đây. Sản phẩm của HTX không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn cung cấp ra các tỉnh,thành phố như:Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa… HTX có sản phẩm bột củ sen và trà lá sen đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2025, HTX phấn đấu có thêm 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.
Hút chân không củ sen tại HTX sản xuất và chế biến nông sản Mai Anh.
Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc HTX sản xuất và chế biến nông sản Mai Anh cho biết: Việc đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại phục vụ quy trình chế biến sâu giúp giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng của nông sản. Đặc biệt là giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, tránh tình trạng bị tư thương ép giá khi vào thời kỳ thu hoạch rộ. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian tới, chúng tôi tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng kênh bán hàng, từng bước đưa các sản phẩm từ cây sen tới đông đảo khách hàng gần xa, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Những năm gần đây, cây rau má đã trở thành cây trồng cho giá trị kinh tế cao với người dân xã Yên Thắng (Yên Mô). Hiện toàn xã có 8 ha với 70 hộ tham gia trồng. So với rau màu, trồng rau má mang lại hiệu quả khá cao, thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, vào cao điểm thu hoạch, cũng không tránh khỏi tình trạng “được mùa, mất giá”. Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, năm 2023 HTX rau củ quả Vân Trà đã đầu tư nhà xưởng, lắp đặt hệ thống máy móc công nghệ sản xuất sản phẩm bột rau má sấy lạnh theo quy trình khép kín. Để giữ được độ tươi ngon của sản phẩm, HTX đã áp dụng kỹ thuật hiện đại nhất. Sau khi rau má tươi được rửa sạch, đưa vào sấy lạnh trong 24 giờ. Sau đó, rau má sẽ được đưa vào nghiền bằng cối đá granite thêm 12 giờ nữa nhằm giữ được nguyên bản mùi vị và màu sắc. Mọi quy trình từ khâu sản xuất đến đóng gói bao bì đều khép kín và được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trồng rau má không những tận dụng được vùng nguyên liệu an toàn tại chỗ mà còn nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất. Sản phẩm bột rau má sấy lạnh sau chế biến cho hiệu quả cao hơn khoảng 10 lần so với bán thô. Theo tính toán để làm ra 1kg bột rau má cần khoảng 10 kg nguyên liệu, với giá bán khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các hộ trồng, chăm sóc rau má tại HTX tuân thủ theo nguyên tắc sản xuất an toàn thực phẩm. Sản phẩm bột rau má của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023. Hiện sản phẩm bột rau má đã được các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh ký kết thu mua. Ngoài ra, HTX còn đẩy mạnh việc bán hàng trên các trang mạng xã hội cũng như qua các hội nghị xúc tiến thương mại, tham gia kết nối cung cầu do Liên minh HTX tỉnh tổ chức, giúp thị trường tiêu thụ được mở rộng.
Chế biến sâu là việc sử dụng các công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền hiện đại để chế biến các loại nông sản dạng thô thành các mặt hàng, giúp nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và làm gia tăng giá trị sản phẩm. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đầu tư máy móc, dây chuyền, công nghệ để chế biến sâu nông sản.
Để hỗ trợ các HTX đi vào chế biến sâu, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ đầu tư thiết bị, máy móc; phát triển nguồn nhân lực; bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ về khoa học kỹ thuật trong chế biến; tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, từng bước giúp các HTX thích nghi với công nghệ chế biến sâu, nâng cao hoạt động kinh doanh.
Ông Bùi Đức Ngọc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Không chỉ hỗ trợ các chính sách giúp HTX tập trung vào chế biến sâu, để các sản phẩm sau chế biến được đông đảo người tiêu dùng biết đến, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn công tác tổ chức đi giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm HTX đến Liên minh HTX các tỉnh, khu vực phía Bắc thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu. Trong năm 2024, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ 50 HTX tham gia 10 hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại cho HTX do Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh tổ chức. Qua đây thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm được thuận lợi hơn.
Chế biến nông sản sâu sau thu hoạch là cách để gia tăng giá trị đầu ra cho nông sản. Đây không chỉ giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản mà còn góp phần tạo liên kết từ sản xuất, cung ứng nông sản giữa doanh nghiệp và người nông dân, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp địa phương và tạo sinh kế cho người nông dân.