Nhiều chính sách hỗ trợ
Đồng chí Bùi Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Để thực hiện mục tiêu của Chính phủ là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, Sở Công Thương, với chức năng nhiệm vụ được giao, đã lồng ghép chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh công nghiệp hoá các ngành nghề truyền thống, dựa vào nguồn nguyên liệu, văn hoá, truyền thống, đặc sản của địa phương để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng, tính sáng tạo cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và xu hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của văn hóa Ninh Bình.
Thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 759/QĐ-UBND ngày 18/6/2020 về việc phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 20/5/2019 về việc ban hành Quy chế quản lý kinh phí khuyến công tỉnh Ninh Bình; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Qua đó đã khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bằng nguồn kinh phí khuyến công giai đoạn 2012-2024, Sở Công Thương đã hỗ trợ 218 cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ là 29.187 triệu đồng. Trong đó: Hỗ trợ 3 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới với kinh phí hỗ trợ là 2.250 triệu đồng; hỗ trợ cho 215 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất với kinh phí hỗ trợ 26.937 triệu đồng.
Triển khai chương trình xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 49/2023/QĐ-UBND ngày 1/8/2023 về việc ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Bình. Hàng năm, Sở đã hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng triển khai các đề án xúc tiến thương mại, với kinh phí trên 4 tỷ đồng/năm, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh đó, để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương thường xuyên quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệptiểu thủ công nghiệp, sản phẩm của các làng nghề trên Website của Sở và tại các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ…; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu cho các doanh nghiệp của 3 tỉnh Ninh Bình, Bạc Liêu, Cà Mau; hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển gian hàng cho các doanh nghiệp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ngoài ra, Sở còn tổ chức nhiều chương trình để hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm như: Hỗ trợ cho các doanh nghiệp kết nối, hợp tác đầu tư, trao đổi, khai thác thông tin xúc tiến thương mại; quảng bá hình ảnh các mặt hàng, sản phẩm của các đơn vị, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các doanh nghiệp ra thị trường thông qua các hoạt động truyền thông trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm và các hình thức phổ biến thông tin khác; hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu vực miền núi để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Công nghiệp hóa các làng nghề
Có thể nói, hoạt động hỗ trợ như khuyến công và xúc tiến thương mại, nhất là việc hỗ trợ áp dụng thành tựu công nghiệp vào sản xuất, kinh doanh ngành nghề truyền thống (cụ thể là ứng dụng phương thức quản lý, công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến) đã giúp cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thông qua các đề án, các cơ sở công nghiệp nông thôn được tiếp cận phương thức quản lý và công nghệ sản xuất mới đã khai thác có hiệu quả ngành nghề phù hợp tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy các làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh phát triển.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, không chỉ năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn có cả những yếu tố quyết định đến duy trì và phát triển nghề truyền thống là trình độ công nghệ, kỹ thuật, việc đổi mới công nghệ, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm... còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Bùi Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Các ngành nghề truyền thống cần đẩy mạnh áp dụng các thành tựu của công nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở sẽ tham mưu với các cấp đẩy mạnh hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại làng nghề đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển sản phẩm; đăng ký, quảng bá thương hiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh trong việc tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ tư vấn đánh giá toàn diện năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tư vấn cải tiến, nâng cấp kỹ thuật chuyên sâu; tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước; tư vấn tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặt khác, tự thân các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tác thiết kế mẫu mã sản phẩm nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của làng nghề. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa cơ sở sản xuất làng nghề với các doanh nghiệp đầu mối lớn trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp với xu hướng trong thời đại mới.
Cùng với các giải pháp trên, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cũng cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, có cơ chế giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn cho làng nghề phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, có cơ chế, chính sách về đất đai để tạo điều kiện cho phát triển của các nghề, làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn.