Trong những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh đã được triển khai nhằm tiếp sức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), từng bước nâng tầm giá trị cho các sản phẩm CNNT của địa phương.
Sản phẩm mật ong sú vẹt của Công ty TNHH MTV Bảo Sơn Food đã được Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024. Nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và giá thành hợp lý, trung bình mỗi năm Công ty tiêu thụ từ 7.000 - 8.000 sản phẩm mật ong sú vẹt, giá thành dao động từ 75.000 - 300.000 đồng/sản phẩm, doanh thu đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, Công ty đã có 12 sản phẩm chính là các loại trà thảo dược, mật ong, rượu nếp cau... Trong đó có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (trà đinh lăng và mật ong sú vẹt) và 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (trà bí đao, trà khổ qua, trà dây thìa canh).
Cũng trong lần công bố sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024, sản phẩm tranh "Khổng tước song toàn" của Công ty TNHH bồ đề Tây Phương cũng vinh dự đạt chứng nhận. Anh Hoàng Thanh Phương, người sáng lập phòng tranh Bồ đề Tây Phương cho biết: Tranh Khổng tước song toàn là sản phẩm chủ lực của Công ty, được bán ra với giá hàng chục triệu đồng/sản phẩm. Vì được làm thủ công, có ý nghĩa sâu sắc và giá trị cao nên được rất nhiều khách hàng đặt mua làm quà tặng cho người thân, đối tác. Bên cạnh đó, việc được Bộ Công Thương công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024 có thể coi là động lực, điều kiện tốt giúp doanh nghiệp mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Sản phẩm tranh "Khổng tước song toàn" của Công ty TNHH bồ đề Tây Phương.
Các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu không chỉ là động lực quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn là cầu nối đưa giá trị văn hóa, bản sắc vùng miền đến với thị trường trong và ngoài nước. Năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã công nhận 35 sản phẩm CNNT tiêu biểu. Trong đó có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu xuất sắc gồm: Chao đèn thêu tay hoa sen trên vải lanh màu tự nhiên, phần đế đèn làm bằng song mây (Công ty TNHH thêu ren Mặt trời xanh); Âu cói (Công ty cổ phần Kim Sơn); Tranh Khổng tước song toàn (Công ty TNHH bồ đề Tây Phương); Mật ong sú vẹt (Công ty TNHH MTV Bảo Sơn Food); Cơm cháy Cố đô (Công ty cổ phần sinh hóa Ninh Bình); Ruốc cá rô Tổng Trường (Công ty TNHH thương mại chế biến thực phẩm Dòng sông xanh); Bảo Bình (Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát); Túi xách lục bình quai mây (Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa); Chum sành (HTX Gốm Gia Thủy); Viên tinh bột nghệ vàng mật ong (HTX Sản xuất và Tiêu thụ dược liệu Yên Sơn); Tảo xoắn spirulina dạng viên nén (HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt).
Những sản phẩm CNNT tiêu biểu được công nhận đều là sản phẩm có thế mạnh, chất lượng tốt, có giá trị sử dụng cao và có tiềm năng để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm CNNT, thời gian qua, Sở Công Thương đã xây dựng chương trình kế hoạch hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương.
Ông Bùi Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Giai đoạn 2021-2023, Sở đã hướng dẫn 59 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm CNNT trên địa bàn tỉnh thực hiện 46 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ là 12.435 triệu đồng. Trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 6 đề án với tổng kinh phí 6.000 triệu đồng; kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 40 đề án với tổng kinh phí 6.435 triệu đồng.
Kết quả phát triển của các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu được hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Ninh Bình với các tỉnh bạn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề của tỉnh quảng bá sản phẩm, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu; phát hiện, tôn vinh các sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển để có kế hoạch hỗ trợ.
Mặc dù đã có những kết quả tích cực, song theo đánh giá khách quan, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khá nhiều cơ sở CNNT quy mô hoạt động chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; một số sản phẩm đã được công nhận vẫn chưa có những phát triển vượt bậc về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm.
Theo chia sẻ của ông Lê Ngọc Trinh, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ Dược liệu Yên Sơn, các cơ sở sản xuất CNNT hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu vốn để đầu tư máy móc hiện đại nhằm nâng cao hiệu suất sản xuất và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, một yếu tố khác quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp là việc tiêu thụ sản phẩm cũng đang gặp vướng mắc. Trên thực tế, các sản phẩm CNNT chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, đa phần các cơ sở vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Những hạn chế này đã khiến các sản phẩm CNNT của tỉnh chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có.
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời mong muốn được hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá thương hiệu; cần có sự kết nối phân phối giữa các cơ sở sản xuất CNNT với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các chuỗi cửa hàng, góp phần nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Nhằm nâng tầm cho các sản phẩm CNNT tiêu biểu, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển cho các sản phẩm CNNT tiêu biểu từ nguồn vốn khuyến công địa phương. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ từ nguồn ngân sách của huyện để các doanh nghiệp, cơ sở, nhất là các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu được mở rộng, phát triển sản xuất, năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, hợp tác để cùng tìm ra hướng phát triển mới, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ngoài hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, Sở Công Thương cũng sẽ thường xuyên phối hợp với các ngành trong công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm CNNT có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, tạo động lực cho cơ sở CNNT phát huy lợi thế cạnh tranh nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý kịp thời đưa ra những giải pháp, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại sản phẩm, bảo tồn và phát triển các ngành nghề và làng nghề truyền thống trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy CNNT của tỉnh phát triển, lựa chọn được những sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh tham gia bình chọn cấp khu vực và toàn quốc trong những năm tiếp theo.