Là một trong những trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất tỉnh, song tại Trung tâm thương mại Go Ninh Bình, tỉ lệ sản phẩm OCOP Ninh Bình góp mặt trên các kệ hàng tại đây khá khiêm tốn.
Theo bà Vũ Thị Huệ, đại diện đơn vị cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã ưu tiên bố trí các gian hàng có vị trí thuận lợi, đẹp mắt để bày bán một số sản phẩm OCOP của các địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình, song nhìn chung số lượng rất ít. Hiện mới chỉ có sản phẩm cơm cháy của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Long (Nho Quan) đang được bày bán phân phối thường xuyên.
Theo bà Huệ, một trong những khó khăn lớn khiến sản phẩm OCOP chưa có mặt nhiều trên các kệ hàng phân phối của siêu thị, trung tâm thương mại, là do nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh đặc sản vùng miền, nguồn cung theo mùa vụ, chất lượng, mẫu mã chưa đảm bảo… nên khó đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối. Bên cạnh năng lực cung ứng còn hạn chế, thì công tác vận chuyển, bảo quản sản phẩm cũng là trở ngại khiến những chủ thể kinh doanh nhỏ lẻ chưa thể tiếp cận được với kênh phân phối này.
Còn theo bà Trần Thị Thanh Hương, quản lý siêu thị Winmart chi nhánh huyện Yên Khánh, dù nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đạt tiêu chuẩn nhưng để vào được siêu thị phải có hợp đồng giao dịch, hóa đơn, chứng từ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Để hàng hóa tiêu thụ nhanh, tiếp cận được khách hàng, các HTX cũng phải đồng hành với chương trình khuyến mãi, kích cầu của hệ thống siêu thị. Nếu không có kiến thức về thị trường, nguồn vốn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì các HTX khó có thể cầm cự lâu dài. Chính vì vậy, đến nay chi nhánh siêu thị này cũng chưa có sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu, bày bán.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại và hơn 33 siêu thị, 111 chợ truyền thống và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, tạp hóa đang hoạt động ổn định. Trong khi đó, tỉnh có hơn 180 sản phẩm OCOP, trên 60 sản phẩm 4 sao, một số sản phẩm có tiềm năng 5 sao. Mạng lưới hạ tầng thương mại được mở rộng là điều kiện thuận lợi để hoạt động thương mại dịch vụ phát triển trong đó có việc phân phối, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh. Tuy vậy, để tiếp cận và mở rộng thị phần tại kênh phân phối bán lẻ này vẫn là thách thức lớn với các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP.
Ông Phạm Văn Tuyến, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh cho biết: HTX được thành lập năm 2016, chuyên sản xuất rau theo quy trình tiêu chuẩn VietGap.
Với diện tích đất sản xuất trên 70ha, bình quân mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau, củ, quả các loại. Hiện sản phẩm của HTX đã có mặt ở nhiều cửa hàng nông sản an toàn có quy mô vừa và nhỏ, trong đó có sản phẩm trái ổi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn chưa tiếp cận được với các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh. “Khi được phân phối tại các trung tâm thương mại, siêu thị, sản phẩm của HTX sẽ được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Từ đó tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá thành nông sản. Tuy nhiên, hiện nay HTX cn gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển, bảo quản, hồ sơ thủ tục và nguồn vốn hạn chế nên chưa thể vào được hệ thống bán lẻ này. Chúng tôi mong muốn, các siêu thị sẽ có chính sách hỗ trợ phí mở mã, về thanh toán tiền hàng kịp thời cho nhà sản xuất”, ông Tuyến chia sẻ thêm.
Để sản phẩm OCOP của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng và có chỗ đứng tại hệ thống siêu thị, bà Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng ban Chính sách và phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam cho rằng: Yêu cầu đầu tiên và quan trọng hơn hết là bản thân các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP cần phải chuẩn hóa các quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, sản lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ mua bán; đồng thời chú trọng thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt, thu hút khách hàng.
Đối với hệ thống siêu thị cần có những hỗ trợ ưu đãi tốt hơn cho chủ thể OCOP, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Ngoài ra các ngành chức năng cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực, kiến thức thị trường cho các chủ thể sản xuất; tổ chức các buổi làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể; hỗ trợ quảng bá truyền thông sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại trong quá trình sản xuất sản phẩm OCOP…
Kéo gần khoảng cách với hệ thống siêu thị sẽ giúp các mặt hàng OCOP mở rộng chuỗi tiêu thụ, quảng bá sản phẩm không chỉ trên địa bàn tỉnh mà cn ở quy mô cả nước. Bên cạnh các chính sách, chương trình hỗ trợ, thì việc nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm của mỗi doanh nghiệp, HTX là rất quan trọng.
Khi sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được chứng nhận, chắc chắn sản phẩm OCOP sẽ có thêm cơ hội góp mặt trên các kệ hàng ở siêu thị và được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận.