Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao là yếu tố quyết định, bảo đảm cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của mỗi địa phương. Để đưa chất lượng dạy nghề có bước phát triển mới, các cơ sở đào tạo nghề đã tích cực đổi mới về chương trình, nội dung đào tạo.
Trong giai đoạn 2014-2024, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo mới các trình độ giáo dục nghề nghiệp cho trên 180.000 người, trong đó cao đẳng, trung cấp là trên 48.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hằng năm đều tăng, cụ thể: Năm 2015 đạt 54%, năm 2020 là 65%, năm 2022 đạt 68%, năm 2023 đạt 69,5%, năm 2024 đạt 71%; phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36%.
Một trong những giải pháp hiệu quả nhất mà các cơ sở đào tạo nghề sử dụng để “hút” học viên đó là nâng cao chất lượng công tác đào tạo. Trong đó, việc đổi mới các chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo là vấn đề then chốt.
Theo đó, các nhà trường đã chủ động xây dựng, phát triển chương trình đào tạo theo các trình độ; tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc chuyên nghiệp và năng lực của người học, tích hợp kiến thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng thực hành và làm việc theo nhóm. Đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng sáng tạo của người học vào thực hành nghề nghiệp tại nhà trường và các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô khẳng định: Việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo được nhà trường thực hiện thường xuyên trên cơ sở sát với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Mục tiêu của sự thay đổi này là nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay. Chúng tôi cũng đã tích cực vận dụng, sáng tạo, đa dạng phương pháp đào tạo như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, tăng cường đầu tư thiết kế, xây dựng và sản xuất thiết bị đào tạo tự làm để phục vụ công tác giảng dạy.
Doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng học viên sau tốt nghiệp.
Một cách làm hiệu quả khác, đó là các cơ sở đào tạo nghề đã tập trung đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp để đào tạo. Theo đó, các nhà trường kết hợp với doanh nghiệp trong việc đưa học sinh, sinh viên đến trải nghiệm và thực tập tốt nghiệp; học sinh, sinh viên được tiếp xúc và làm việc trong môi trường thực tế tại các doanh nghiệp đã giúp hoàn thiện kỹ năng nghề, ý thức, tác phong làm việc công nghiệp.
Ngoài các chương trình đào tạo được xây dựng theo quy định, các nhà trường đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để xây dựng các mô đun nâng cao để đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề cho người lao động của các doanh nghiệp, như các nghề: Cắt gọt kim loại, Điện công nghiệp, Hàn, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật chế biến món ăn, Dược, Điều dưỡng, Công nghệ kỹ thuật cơ khí…
Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động lựa chọn, áp dụng chương trình, tiêu chuẩn và công nghệ đào tạo tiên tiến, chất lượng cao của khu vực và quốc tế vào hoạt động giảng dạy nhằm đào tạo nhân lực có tay nghề cao phù hợp với điều kiện của đơn vị.
Nhiều loại chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo quốc tế được các cơ sở đào tạo nghề chuyển thể song ngữ Anh-Việt để tham khảo, có trường đã thực hiện hiệu quả giáo trình đào tạo trong khuôn khổ Dự án hợp tác về đào tạo nghề của Cộng hòa Liên bang Đức áp dụng phù hợp vào Việt Nam.
Ông Dương Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình khẳng định: Nhà trường đã phối hợp với đội ngũ cán bộ, chuyên gia của doanh nghiệp tham gia vào các quá trình xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá, công nhận kỹ năng cho người lao động; hướng dẫn thực hành, thực tập cho học sinh, sinh viên trong môi trường thực tế các doanh nghiệp. Đồng thời hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm và khai thác đội ngũ chuyên gia, cơ sở vật chất thiết bị, công nghệ mới trong doanh nghiệp… Bởi vậy, nguồn nhân lực sau đào tạo đã bắt nhịp tốt sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
Việc đổi mới phương thức đánh giá, xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao cũng được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định, công tác đánh giá từ kiểm tra lý thuyết sang kiểm tra kỹ năng nghề nghiệp của người học dựa trên các tiêu chí đánh giá đã được các nhà trường xây dựng và ban hành nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của các ngành, nghề đào tạo… Qua đó, đã đánh giá chính xác và toàn diện hơn về chất lượng cũng như tay nghề của người học, giúp người học thể hiện năng lực ngành, nghề và hệ thống hóa tổng thể kiến thức của người học trong suốt quá trình đào tạo. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm (tại doanh nghiệp) sau tốt nghiệp hằng năm đều đạt trên 80%.