Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời gian gần đây đã đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn, trong đó có vấn đề phát triển nguồn lực con người.
Thực tế cho thấy, nếu trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất, kinh doanh, chúng ta đã có nhiều sự chủ động sáng tạo, tạo ra được những bước đột phá mới, không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất thì trong lĩnh vực sử dụng nguồn vốn con người, phát triển nguồn lực theo xu hướng của kinh tế thị trường, chúng ta lại còn có nhiều sự chậm trễ. Vấn đề đào tạo bồi dưỡng, phân bổ sử dụng, định hướng phát triển nguồn nhân lực theo những nhu cầu của kinh tế thị trường, công nghiệp hóa và hiện đại hóa lại chưa được đặt tương xứng với đòi hỏi của thực tiễn.
Để phát triển nguồn nhân lực trẻ, theo chúng tôi, chúng ta cần phải tập trung vào những định hướng cơ bản như :
Phát triển nguồn nhân lực trẻ cần phải gắn liền với những định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương
Phát triển nguồn nhân lực về nguyên tắc, là một bộ phận của việc phát triển kinh tế - xã hội, có quan hệ chặt chẽ với việc phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, những định hướng phát triển nguồn nhân lực trong đó có nguồn nhân lực không thể tách rời với những định hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế - xã hội vùng Ninh Bình nói riêng.
Giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển kinh tế - xã hội có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng. Mối quan hệ này phản ánh sự thống nhất khách quan giữa mặt phát triển kinh tế - xã hội với mặt phát triển con người trong thực tiễn. Nó biểu hiện ở hai chiều tác động tương hỗ như sau: thứ nhất, sự phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở cho sự phát triển con người. Mức độ tăng trưởng kinh tế tạo ra những tiền đề vật chất cho việc nâng cao đời sồng văn hóa tinh thần, sức khỏe và khả năng lao động sáng tạo của con người. Nó đảm bảo cho con người có điều kiện để học tập, bồi dưỡng, phát huy tốt những tiềm năng vốn có của mình trong thực tiễn của cuộc sống.
Thứ hai, ở chiều ngược lại, với tư cách là chủ thể của các hoạt động lao động, sáng tạo, con người cùng với sự phát triển thích ứng của nguồn lực con người sẽ tạo ra động lực sáng tạo mới, mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính nhờ sự phát triển hài hòa và cân đối giữa hai chiều tác động nói trên chúng ta sẽ có điều kiện để đẩy mạnh sự phát triển của cả mặt kinh tế - xã hội cũng như mặt nguồn lực con người.
Thực tế sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã cho thấy chúng ta đã chưa chú ý đúng mức tới việc xử lý một cách đúng đắn mối quan hệ biện chứng nói trên. Chẳng hạn việc giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho thanh thiếu niên đã thiếu sự gắn kết với nhu cầu thực tiễn, lâu dài của sự phát triển kinh tế tại địa phương. ở nhiều địa phương, chẳng hạn trong khi xây dựng nhữngcông nghiệp mới và có quy mô hiện đại thì một số nhà giáo dục đào tạo vẫn muốn hướng việc đào tạo lao động vào lĩnh vực truyền bá các kỹ năng làm nghề truyền thống, đan lát, làm nón, trồng tỏi... Nhiều thanh thiếu niên vẫn chỉ thích được làm nghề văn, nghề báo, làm cán bộ văn phòng. Nghiên cứu tại vùng Tràng An chúng ta có thể thấy trong khi một khu Thiên nhiên văn hóa tầm cở thế giới được công nhận thì rất nhiều thanh thiếu niên thanh thiếu niên lại vẫn chỉ thích học nghề văn nghề báo, thích làm cán bộ chính quyền, cán bộ văn phòng...
Về phương diện này, nếu không có chiến lược phát triển nguồn nhân lực đúng đắn, đến một lúc nào đó, khi được đầu tư phát triển mạnh về công nghiệp và công nghệ, du lịch, thì tại chính Ninh Bình chúng ta, các nhà đầu tư sẽ lại phải kêu gọi và thuê mướn nhân lực lao động chất lượng cao từ nơi khác đến.
Mặt khác trong khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đầu tư cơ sở vật chất, phát triển công nghiệp, công nghệ, du lịch, dịch vụ tại Ninh Bình, chúng ta cũng phải chú ý gắn kết với chiến lược phát triển nguồn nhân lực trẻ. Về phương diện này, sự tham gia của các nhà chiến lược, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học nghiên cứu và dự báo là không thể thiếu được.
Gắn kết việc phát triển nguồn nhân lực trẻ với sự phát triển của thị trường lao động ở Ninh Bình
Trong điều kiện hiện nay, để phát triển nguồn nhân lực trẻ, chúng ta không thể chỉ dựa vào những định hướng có tính kế hoạch hóa, được chuẩn bị từ trước mà còn phải tuân thủ theo quy luật chung của nền kinh tế thị trường.
Nguồn nhân lực trẻ, dưới góc độ kinh tế học cần phải được coi là một nguồn vốn quan trọng. Nguồn vốn này trong mọi trường hợp, cần phải được sử dụng hợp lý để đảm bảo nó không ngừng được "sinh lợi" và phát triển. Nói một cách khác là, nó vừa cần phải được đầu tư vào đúng chỗ, đúng lúc và đồng thời chính bản thân nó cũng vừa lại cần phải có được sự đầu tư thích đáng để không ngừng nâng cao tiềm năng to lớn của mình.
Nếu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế nói chung, chúng ta cũng luôn phải nhạy bén, năng động để đảm bảo cho mọi hoạt động sản xuất có thể tạo ra lợi nhuận, thì trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực cũng như vậy, "vốn con người" (human capital) luôn trở thành yếu tố quyết định. Bởi vậy việc đầu tư, nuôi dưỡng và khai thác tối đa tiềm năng của "nguồn vốn con người", đặc biệt là những tiềm năng về trí tuệ và chuyên môn bao giờ cũng là một trong những chỉ báo quan trọng, phản ánh trình độ phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, khu vực.
Với quan niệm trên, để phát triển nguồn nhân lực trẻ, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phát triển Ninh Bình, chúng ta phải tạo điều kiện khách quan và chủ quan để nguồn nhân lực đó hội nhập vào với thị trường lao độn chung, có đủ năng lực để tham gia vào "cuộc chơi khắc nghiệt" đó. Chúng ta đều biết, thị trường lao động, cũng giống như mọi loại thị trường khác trong kinh tế thị trường, đều đòi hỏi phải tuân thủ những quy luật khách quan của nó. Đó là năng lực cạnh tranh, được đo bằng việc không ngừng giảm chi phí cho đầu vào và tăng lợi nhuận cho đầu ra, bằng việc nâng cao chất lượng chuyên môn....
Nói một cách cụ thể, nhân lực trẻ cần phải được chuẩn bị tất cả về chuyên môn và tâm lý để có thể tham gia vào sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường lao động ở tầm địa phương Ninh Bình cũng như ở tầm khu vực và quốc gia. Trong cuộc cạnh tranh này, họ phải được chuẩn bị năng lực để đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động, nâng cao khả năng thích ứng, sự năng động, sáng tạo trong những điều kiện của sự phát triển công nghệ, duy trì được tính kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp trong lao động và sinh hoạt. Nói tóm lại, để cạnh tranh và phát triển trong thị trường lao động, họ phải trở thành những người lao động có chất lượng cao.
Thị trường lao động chính là môi trường thử thách, rèn luyện và phát triển thực tiễn của nguồn nhân lực trẻ. Hội nhập vào thị trường lao động chung, nếu được sự định hướng và giúp đỡ tích cực, thanh thiếu niên Ninh Bình chắc chắn sẽ có đủ khả năng và phẩm chất để vươn dậy, sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa trên quê hương mình cũng như trong đất nước.
Việc phát triển nguồn nhân lực trẻ ở Ninh Bình cần phải kết hợp với việc phân bố và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực này
Việc phân bố và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực không chỉ có ý nghĩa và hiệu quả thực tiễn về mặt kinh tế học mà còn tạo ra động lực để phát triển chính nguồn nhân lực. Những lao động trẻ được đào tạo, có năng lực chuyên môn cao nếu được phân bố và sử dụng đúng đắn sẽ không chỉ phát huy tốt kỹ năng nghề nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động mà còn tạo cơ sở để họ rèn luyện phấn đấu, nâng cao phẩm chất kỹ thuật và chuyên môn của mình.
Thực tế đã chỉ ra rằng, điều kiện lao động phù hợp là môi truờng tốt nhất để lao động trẻ có thể trưởng thành và phát triển.
Phân bổ và sử dụng lao động ở đây có thể được hiểu ở hai phương diện: thứ nhất, phân bổ có chủ đích và có kế hoạch, phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai, phân bổ tự nhiên theo những quy luật cung cầu của cơ chế thị trường có sự điều tiết của của nhà nước.
Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta cần phải có sự chủ động, tạo điều kiện để những người lao động trẻ có thể có được những vị trí làm việc phù hợp với sở thích và nguyện vọng, phù hợp với chuyên môn và ngành nghề được đào tạo. Trên phương diện sử dụng nguồn nhân lực, chúng ta cũng phải có phương thức đúng đắn để tạo ra môi trường lao động thuận lợi, tăng cường các chính sách hỗ trợ những hoạt động lao động sáng tạo, khuyến khích việc học tập nâng cao năng lực chuyên môn và tay nghề, nâng cao không ngừng các chế độ đãi ngộ về lương bổng và phúc lợi xã hội.
Trong trường hợp thứ hai, trước những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, chúng ta phải khuyến khích và chấp nhận sự phân bổ và sử dụng lao động tự nhiên theo những quy luật của thị trường lao động. Về phương diện này, chúng ta phải xóa bỏ những hàng rào bất hợp lý đã ngăn cản sự chuyển dịch lao động. Sự chuyển dịch này được hiểu theo cả hai nghĩa, chuyển dich theo chiều ngang, tức là chuyển dịch về địa lý từ vùng lãnh thổ này sang vùng lãnh thổ khác và chuyển dịch theo chiều dọc, tức là chuyển dịch từ ngành nghề này sang ngành nghề khác.
Cần phải tăng cường tính năng động và linh hoạt trong việc phân bổ và sử dụng lao động trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất để lao động trẻ có thể phát huy được mọi khả năng tiềm tàng của mình.
Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua sự chủ động điều tiết của các cấp chính quyền, sự đầu tư và quan tâm của những người sử dụng lao động, các nhà doanh nghiệp và sau cùng là sự nỗ lực phấn đấu của chính lao động trẻ các dân tộc.
Trích tham luận của:GS.TS Đặng Cảnh Khanh
(Viện nghiên cứu phát triển KT-XH)