Trở thành đất kinh kỳ
Cuối thời Ngô, triều đình suy yếu, hình thành cục diện cát cứ 12 sứ quân, trong bối cảnh đó, Đinh Bộ Lĩnh (sinh năm 924 tại động Hoa Lư, châu Đại Hoàng) đã dần biến khu vực động Hoa Lư rộng lớn thành căn cứ đầu tiên cho sự nghiệp của mình. Từ Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh mở rộng hoạt động, chiếm lĩnh các vùng duyên hải thuộc Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình... xây dựng thành địa bàn căn bản cho công cuộc đấu tranh chống lại lực lượng của các sứ quân (chủ yếu tập trung ở miền trung tâm và đỉnh châu thổ sông Hồng).
Năm 968, sau khi dẹp được loạn sứ quân, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư làm đất đóng đô. Hoa Lư trở thành vị trí trung chính trị dưới hai triều đại nhà Đinh (968-980) và Tiền Lê (981-1009).Tại kinh đô Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng "bắt đầu dựng đô mới, đắp thành, đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi".
Ban đầu, Đinh Bộ Lĩnh "chọn được chỗ đất đẹp ở Đàm thôn nhưng vì thế đất chật hẹp không có lợi về việc đặt hiểm nên vẫn đóng đô ở Hoa Lư". Hoa Lư khi ấy tuy là vùng núi rừng hiểm yếu nhưng lại liền sông, gần biển, đã từng được Đinh Bộ Lĩnh chọn làm căn cứ xây dựng lực lượng. "Hoa Lư ở về sơn phận hai xã Uy Viễn và Uy Tế thuộc Ninh Bình.
Nơi đây bốn mặt đều có núi đá đứng thẳng như bức vách, trong có một chỗ hơi bằng phẳng rộng rãi, người xứ ấy gọi là động Hoa Lư... trong lòng động rộng hàng hai trượng có một cái lạch nước quanh co khuất khúc chảy đến phía nam thành Hoa Lư... Họ Đinh nhân thế núi đắp thành ấy chu vi năm mươi trượng...
Như thế thì động Hoa Lư là chỗ Đinh Tiên Hoàng khoải binh; thành Hoa Lư ở Trường Yên là nơi đóng đô của họ Đinh". "Đinh Tiên Hoàng năm thứ 1 (968) dựng cung điện ở đô thành mới, Lê Đại Hành năm Thiên Phúc thứ 5 (984) dựng điện Bách tuế thiên bảo ở núi Đại Vân, cột điện đều trang sức bằng vàng, bạc, điện này dùng làm nơi thị triều, phía đông gọi là điện Phong Lưu, phía tây gọi là điện Tử Hoa, phía tả gọi là điện Bồng Lai, phía hữu gọi là điện Cực Lạc, lại dựng lầu Đại Vân, liền với điện Trường Xuân làm nơi ngự tẩm, bên cạnh điện Trường Xuân lại đựng đền Long Lộc lợp ngói bằng bạc, lại dựng điện Kiền Nguyên để vua ra chơi xem đèn".
Trong bối cảnh thế kỷ X, việc dẹp được loạn cát cứ không chỉ là một thắng lợi quân sự đơn thuần, mà còn là sự thắng thế của khuynh hướng thống nhất quốc gia. Tuy nhiên, nguy cơ cát cứ của các thế lực trong nước và mưu đồ xâm lược của nước ngoài vẫn đặt ra những thách thức không nhỏ cho chính quyền Đinh, Lê. Vì vậy, việc đóng đô ở Hoa Lư là một quyết định đúng đắn và cần thiết.
Mô hình chính quyền quân sự, đóng đô thủ hiểm đã phát huy tác dụng trong giai đoạn đầu. Nhà Đinh đã tạo dựng được một chính quyền tập chung quyền lực vững mạnh. Kế tục triều Đinh, từ kinh đô Hoa Lư, Lê Hoàn đã tổ chức và lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (980-981), bảo nền nền độc lập, thống nhất quốc gia. 42 năm (968-1009) giữ vị trí kinh đô, Hoa Lư đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.Với ý nghĩa ấy, sử cũ đã đánh giá: "Trường Yên là kinh đô đầu tiên của nước ta trong khi kiến quốc".
Vùng đất địa linh nhân kiệt, truyền thống văn hóa đặc sắc
Là vùng đất giao thoa giữa các khu vực Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ, cũng là vùng đất phù sa cổ ven chân núi, với những dấu tích cư trú của con người ngay từ các giai đoạn tiền sơ sử, những đặc điểm đó đã tạo cho Ninh Bình nền tảng, ưu thế tự nhiên trong việc hình thành nền văn hóa đa dạng, thể hiện và là kết quả của quá trình kết tinh các giá trị tự nhiên, con người và lịch sử.
ở vào vị trí giao thoa, cũng là vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất Ninh Bình sớm chứng kiến, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích còn để lại dày đặc trong các di tích kiến trúc vật thể đình, chùa, đền, miếu.., các truyền thuyết, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian.
Thiên nhiên ưu đãi cho Ninh Bình nhiều thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng, về mặt địa lý, các biến đổi địa chất theo thời gian và phù sa bồi đắp tạo cho Ninh Bình những dãy núi đá vôi ngập nước, với rất nhiều hang động, đầm hồ được ví như "Hạ Long trên cạn" như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động", Địch Lộng là "Nam thiên đệ tam động", động Vân Trình, động Tiên, động Thiên Hà, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long...
Thế kỷ XVI - XVII, Công giáo truyền vào Ninh Bình, dần hình thành trung tâm Công giáo Phát Diệm, nay là giáo phận Phát Diệm tại huyện Kim Sơn, với nhà thờ đá Phát Diệm có phong cách kiến trúc đặc sắc, độc đáo.
Vùng đất Ninh Bình còn là quê hương của nhiều danh nhân tiêu biểu trong lịch sử: Đinh Bộ Lĩnh với truyền thuyết cờ lau tập trận, Lê Hoàn, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Nguyễn Minh Không được triều Lý tôn làm quốc sư, Trương Hán Siêu "như núi cao, sao sáng của Nho lưu" (Đại Nam nhất thống chí)...
Đấy chính là truyền thống, tài sản vô giá, không chỉ cho phát triển du lịch, mà còn là nguồn lực cho sự phát triển bền vững của Ninh Bình.
Trích tham luận của: GS.TSKH Vũ Minh Giang và Ths Nguyễn Ngọc Phúc
(Đại học Quốc gia Hà Nội)